THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 11:24

Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa

14/12/2021 | 05:49
Những năm gần đây, trên báo chí, mạng truyền thông đưa tin nhiều vụ tự tử rất thương tâm của trẻ vị thành niên. Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi ô mai này phần lớn do hội chứng trầm cảm. Đây là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn tuổi "ngựa chứng", cha mẹ cần hiểu rõ để có kiến thức hỗ trợ con.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, cứ trung bình trên thế giới mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Không thể coi nhẹ trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Theo bác sĩ Đặng Văn Trường, Trưởng Khoa Tâm thần - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ, hành vi, tác phong. Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% các trường hợp tự sát. Đặc biệt trầm cảm hiện nay có chiều hướng gia tăng ở giới trẻ.

Trầm cảm là một dạng rối loạn liên quan đến tâm trạng, thường gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ, cảm xúc của trẻ vị thành niên. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Tuyết Mai

Trầm cảm là một dạng rối loạn liên quan đến tâm trạng, thường gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ, cảm xúc của trẻ vị thành niên. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Tuyết Mai

Nguyên nhân thường thấy ở giới trẻ bị trầm cảm là do những áp lực trong học hành và hoàn cảnh gia đình. Sức ép của cha mẹ đối với con cái trong học tập, thi cử làm các em rơi vào trạng thái căng thẳng, lo sợ dần dần không kiểm soát được suy nghĩ của bản thân. Bên cạnh đó, một số trẻ do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình như: cha mẹ ly hôn, những bất hoà của ba mẹ, không khí nặng nề thiếu hạnh phúc cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm cho con cái.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Theo Bs. Nguyễn Tâm Long, Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cha mẹ cần nhận biết trầm cảm khi con có một số các dấu hiệu như sau:

Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ; Mệt mỏi, mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây; Suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng; Hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn; Giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội. Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ; Rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều. Trẻ ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn. Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử.

Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…

Đối với trẻ vị thành niên, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng và muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó dễ khiến trẻ bị hiểu lầm là sự “nổi loạn” của tuổi “ngựa chứng” và dễ bị cha mẹ bỏ qua.

Theo bác sĩ Đặng Văn Trường, điều trị trầm cảm đạt hiệu quả phải được duy trì ít nhất 6 tháng và tiếp tục theo dõi để đạt được sự ổn định, đề phòng tái phát. Việc chữa trị bằng cách phối hợp, gồm liệu pháp tâm lý và dùng thuốc điều trị triệu chứng. Trẻ mắc bệnh trầm cảm khi được chữa khỏi rất dễ tái phát bệnh nếu gặp phải cú sốc hay các mối lo toan... Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ và theo dõi con nếu có những dấu hiệu của bệnh, cần đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Việc lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ từ cha mẹ, bạn bè là "liều thuốc" an toàn, hiệu quả giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và làm dịu đi tư tưởng tiêu cực.

Biện pháp phòng ngừa trầm cảm ở trẻ em

Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Do đó, cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống.

Theo Bs. Nguyễn Tâm Long, trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ để tâm và áp dụng liên tục các biện pháp như:

Luôn lắng nghe trẻ: Cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ.

Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ: Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.

Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ: Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng trẻ thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân, và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.

Giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực: Cha mẹ không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu.

Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.

Con cái luôn cần cha mẹ đồng hành, hỗ trợ về mặt tâm tưởng, suy nghĩ cũng như cân bằng các cảm xúc, tránh dẫn đến tình trạng nặng và hậu quả đáng tiếc.

Nhật Minh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Học online hiệu quả: Không nên đặt quá nhiều áp lực cho trẻ

Học online hiệu quả: Không nên đặt quá nhiều áp lực cho trẻ

2 năm trước

Với mong muốn chia sẻ thông tin, hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên đồng hành cùng trẻ học trực tuyến hiệu quả, trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực,...