THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 05:22

Trao hành trang vững chắc vào đời cho con trẻ

05/11/2021 | 08:38
Dạy trẻ những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp là việc rất cần thiết và quan trọng. Các bậc phụ huynh nên chú trọng giúp con hình thành kỹ năng giao tiếp từ sớm, tạo môi trường giao tiếp, khuyến khích trẻ tham gia kể chuyện, đọc thơ, giúp các em hình thành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kích thích khả năng nói, tư duy, bày tỏ cảm xúc, quan điểm. Nhờ đó, con sẽ có hành trang vững chắc vào đời.

Kỹ năng giao tiếp được ví như chìa khóa…

Giao tiếp không chỉ là nghe và nói mà là cả một nghệ thuật. Giao tiếp là kỹ năng cần có và đóng vai trò quan trọng với mỗi người. Với trẻ em, kỹ năng giao tiếp cần được hình thành và rèn luyện từ sớm. Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ biết cách lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác. Trẻ biết cách bày tỏ mong muốn với cha mẹ, thầy cô, ông bà,… Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ dễ dàng kết bạn, có mối quan hệ tốt với mọi người. Khi đó, trẻ cũng dần phát triển các kỹ năng khác như làm việc nhóm, tư duy phản hồi. Nếu được rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ cũng tự tin hơn, nhìn nhận cuộc sống tốt hơn…

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh kể chuyện tương tác cho trẻ. Ảnh: Trà My

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh kể chuyện tương tác cho trẻ. Ảnh: Trà My

Kỹ năng giao tiếp được ví như chìa khóa giúp trẻ làm chủ, phát huy các kỹ năng khác. Đây cũng là nền tảng giúp các bé nhận biết giá trị sống và dần hình thành các kỹ năng sống. Do đó, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới kỹ năng giao tiếp cho con trẻ.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, giáo dục gia đình được coi trọng từ xa xưa, vì thế trong ca dao tục ngữ cũng có nhiều câu đúc kết sự quan trọng của giáo dục gia đình. Chẳng hạn: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống”, hoặc: “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Hạt thông lại nở cây thông rườm rà…”.

Giáo dục gia đình trước hết là giáo dục các thế hệ những giá trị tốt đẹp được lưu lại từ truyền thống dòng họ, gia đình. Sau đó là những khái niệm đạo đức và những giá trị sống mà dân gian quý trọng, nâng niu. Và ở nghĩa hiện đại bây giờ, giáo dục gia đình là sự giao lưu chặt chẽ về mặt cảm xúc giữa bố mẹ và con cái, chia sẻ vui buồn, qua đó cùng con học những điều hay, xây dựng một lối sống đẹp mà gia đình ấy quan niệm.

Việc dạy trẻ và giáo dục các giá trị sống, kỹ năng sống có thể diễn ra hàng ngày

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh đưa ra những gợi ý rất sâu sắc cho các gia đình trong giáo dục kỹ năng mềm cho trẻ:

1. Cả nhà nhất quán tham gia giáo dục trẻ

Giáo dục gia đình chủ yếu là qua hành động, không có bài vở, không có… giáo án, vì thế, mỗi gia đình cần có sự thống nhất với nhau về các nguyên tắc chung để từ đó thể hiện qua hành động. Chẳng hạn, ông bà, bố mẹ phải có những thỏa thuận về quá trình dạy dỗ con, cháu, tránh việc ông thì cấm bà lại cho; bố mẹ nói một đằng, ông bà lại giữ một quan điểm khác. Khi đã có sự thống nhất thì tất cả các thành viên gia đình đều tham gia vào quá trình giáo dục trẻ bằng cách của mình. Ví dụ, để dạy trẻ biết kính trọng người lớn tuổi, bố mẹ thường xuyên tỏ thái độ lễ phép với ông bà, vào mâm thì mời, món ngon gắp mời ông bà trước. Ông bà cũng phải tiếp nhận điều đó một cách tự nhiên chứ không tỏ ra mâu thuẫn như luôn nhường món ngon cho cháu, cái gì cũng dành cho cháu hết, tỏ ra không trân trọng hoặc không để ý những lời mời, lời hỏi han lễ độ từ phía các con cháu.

Lớp “Nghĩ và viết” của CLB Đọc sách cùng con do TS Nguyễn Thuỵ Anh sáng lập cũng nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng diễn đạt nói và viết, thúc đẩy các con mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình. Ảnh: Trà My

Lớp “Nghĩ và viết” của CLB Đọc sách cùng con do TS Nguyễn Thuỵ Anh sáng lập cũng nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng diễn đạt nói và viết, thúc đẩy các con mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình. Ảnh: Trà My

Việc dạy trẻ và giáo dục về các giá trị sống và kỹ năng sống thì có thể diễn ra hàng ngày, hàng giờ, bất kỳ lúc nào, từ những hành động ý nhị của bố mẹ, của ông bà. Việc tiếp thu cũng diễn ra tự nhiên như vậy. Những đứa trẻ thường chia sẻ với nhau: “Bố tớ bảo… “, “Nhưng bà tớ dạy thế này cơ…", “Mẹ cháu cũng hay nói thế”… Có nghĩa là bất kỳ điều gì xảy ra trong gia đình cũng mang một ý nghĩa giáo dục nhất định đối với đứa trẻ.

2. Cảm xúc và sự giao lưu tạo cảm xúc

Giáo dục gia đình chỉ có thể đạt hiệu quả tốt khi có một nền tảng cảm xúc vững giữa các thành viên trong gia đình. Mọi người tỏ ra quan tâm đến cảm xúc của nhau. Chẳng hạn, mẹ có thể tâm sự với con: “Hôm nay chắc bố có vấn đề gì ở cơ quan, thấy bố hơi mệt mỏi và bực bội”. Hoặc: “Không hiểu mình đi nghỉ mát 7 ngày liền, ông bà ở nhà có buồn không nhỉ? Có lẽ tối nào mình cũng gọi điện trò chuyện với ông bà vài phút nhé con.”

Để tạo được cảm xúc ấm áp, tích cực giữa các thành viên, mỗi gia đình dù ít hay nhiều người, đều rất nên lên kế hoạch cùng tham gia một hoạt động chung nào đó một tuần một lần: cùng nấu ăn, cùng đi siêu thị, cùng đi dã ngoại, cùng đọc chung một cuốn sách, cùng xem chung một bộ phim, tổ chức sinh nhật, các ngày lễ... Việc lên kế hoạch cụ thể, giờ giấc, ghi chép lại… rất quan trọng. Điều này giúp chúng ta không vì bận rộn mà lãng đi, cứ hẹn lần ngày này qua ngày khác. Điều đó cũng khiến chúng ta biết cách tiết chế, điều chỉnh để những hoạt động này diễn ra vừa đủ, vừa độ, không ảnh hưởng đến những khoảng tự do cá nhân của các thành viên.

Trong các hoạt động tạo cảm xúc trong gia đình, nên chú trọng đến những “trò chơi ngốc nghếch” – tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại khiến các thành viên trong gia đình cởi mở hơn với nhau. Ví dụ, trò chơi ném gối buổi tối, trò chơi trốn tìm trong nhà, trò đố vui có thưởng, một trò thách đấu buồn cười nào đó…

Bố mẹ có thể âm thầm viết nhật ký cho con hoặc tạo một facebook gia đình trên mạng, cùng nhau chăm chút và giao lưu qua đó – cũng là một ý tưởng không tồi thời công nghệ. Tuy nhiên, giao lưu chứ không phải là kiểm soát nhau – đây là ranh giới rất mong manh mà đôi khi vượt qua giới hạn  thì mọi cố gắng lại trở thành phản tác dụng.

3. Dạy con về trách nhiệm trong gia đình

Trẻ cần phải cảm nhận được về trách nhiệm đối với gia đình. Trách nhiệm nhiều khi là những công việc gia đình bé nhỏ mà trẻ có thể đóng góp tùy theo lứa tuổi, kể cả khi trẻ “bận đi học thêm” hoặc “sắp thi”.

Trách nhiệm với gia đình cũng có thể là ý thức lo lắng cho từng thành viên, ý thức cố gắng tìm hiểu nhu cầu của mọi người, ý thích và khả năng của họ. Chẳng hạn, có thể lập một sơ đồ nhắc nhở những hoạt động liên quan đến từng thành viên trong gia đình; ghi chú ngày sinh, ngày mẹ thi công chức, ngày con thi học kỳ, ngày con thi học sinh giỏi, ngày bố được lên lương…

Trách nhiệm gia đình còn có thể chia sẻ cùng trẻ thông qua những… hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền Internet, tiền điện thoại và những khoản tiền bố mẹ vẫn chi tiêu hàng tháng. Cùng con ghi chép các số liệu ấy và có thể cùng nhau bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính như có nên mua một món đồ nào đó hay không, vì sao có thể mua, vì sao chưa nên, đợi đến bao giờ thì mua được.

Mỗi một gia đình có một thế giới riêng, truyền thống riêng, thói quen riêng, miễn sao chúng có thể gắn kết các thành viên trong gia đình thì việc giáo dục trẻ không có gì là khó nhọc nữa mà chỉ đem lại niềm vui. Các con của chúng ta sẽ được phát triển toàn diện nếu sự giao lưu cảm xúc và gắn kết tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình được chú trọng và giữ gìn.

Việt Cường
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Giáo dục tích cực: Mềm mỏng hay cứng rắn?

Giáo dục tích cực: Mềm mỏng hay cứng rắn?

2 năm trước

Trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã thực hiện buổi Toạ đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay...