THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 09:03

Trẻ bị đau bụng bất thường cẩn thận bệnh lồng ruột

17/09/2022 | 06:00
Lồng ruột là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây tắc ruột dẫn đến hoại tử, thủng ruột, tắc ruột, nhiễm trùng…
Thông thường, khi bị lồng ruột, trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, chướng bụng, nôn... Cha mẹ cần nhận biết sớm để đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời. Ảnh minh họa

Thông thường, khi bị lồng ruột, trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, chướng bụng, nôn... Cha mẹ cần nhận biết sớm để đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời. Ảnh minh họa

Một hôm, chị Khánh Ðiệp đưa con gái mới gần 1 tuổi tới nhà bạn chơi, cô bé vui vẻ nhảy múa cho mọi người xem, thế nhưng về tới nhà, bỗng nhiên bé đau bụng dữ dội. Nghi con bị đau ruột thừa, chị vội đưa con đến bệnh viện và các bác sĩ kết luận bé bị lồng ruột. Vì gia đình đưa bé đến sớm nên phương pháp điều trị rất đơn giản, đó là tháo lồng bằng hơi. Ðây là biện pháp can thiệp không xâm lấn, an toàn và ít tai biến. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn biến nặng, cha mẹ đưa con tới bệnh viện muộn, trẻ có thể bị tắc ruột, sử dụng tháo lồng thất bại thì sẽ phải phẫu thuật.

Thế nào là bệnh lồng ruột?

Ðau bụng là một triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Trẻ bị đau bụng có thể là dấu hiệu mắc bệnh ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đó cũng có thể là triệu chứng của bệnh lồng ruột, một bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi.

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), một thống kê chưa được đầy đủ cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh lồng ruột ở trẻ em vào khoảng 3-5 trường hợp trên 1.000 trẻ. Trong đó, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Bệnh xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà chui vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó.

Một số trường hợp được cho là do các khối u, polyp của ruột. Các yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động của ruột dẫn tới việc các đoạn ruột chui vào nhau. Viêm nhiễm ruột cũng là một tác nhân thuận lợi khiến lồng ruột xảy ra. Các yếu tố như tiêu chảy kéo dài, các sẹo tổn thương ở ruột, dính ruột… cũng có thể là nguyên nhân gây lồng ruột mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng. Bất thường về giải phẫu ở ruột, tiền sử đã bị lồng ruột cũng là những yếu tố dẫn tới nguy cơ cao bị lồng ruột. Ðặc biệt, tỷ lệ lồng ruột ở bé trai cao hơn bé gái. Lồng ruột ở trẻ em xảy ra nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông.

Trước 48 giờ, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng bị hoại tử, nhưng sau 72 giờ, tỷ lệ này đã lên tới 80%. Khi ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.

Biểu hiện khi trẻ bị lồng ruột

Thông thường, khi bị lồng ruột trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, chướng bụng. Cơn đau thường kéo dài kèm theo đó trẻ có thể bị nôn trớ liên tục, cứ khóc là nôn.

Ngoài triệu chứng đau bụng, lồng ruột còn khiến trẻ quấy khóc, khó chịu. Trẻ có thể đang chơi bình thường, đột nhiên la hét, quấy khóc - khóc từng cơn. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, trẻ sẽ mệt lả, da xanh tái, sốt cao, nôn ra dịch vàng hoặc xanh, tiểu ít, đại tiện ra máu, thậm chí là hôn mê, sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn.

Cần lưu ý một điểm là trẻ bị đau bụng khi mắc bệnh lồng ruột rất dễ nhầm với các rối loạn tiêu hóa thông thường, do đó cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.

Có thể phòng tránh bệnh lồng ruột?

Vì 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân nên không có biện pháp dự phòng lồng ruột đặc hiệu nào.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán lồng ruột dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng. Ngoài ra, trẻ có thể cần làm thêm các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp XQ… Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng bằng hơi hoặc phẫu thuật nếu phương pháp tháo lồng bằng hơi thất bại. Song song với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, sử dụng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng, đặt ống thông dạ dày...

20220226_nguyen-nhan-long-ruot-2 (1)

Chăm sóc trẻ sau tháo lồng bằng hơi tại nhà

Sau điều trị tháo lồng bằng hơi tại bệnh viện, khi trẻ về nhà, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra băn khoăn không biết chăm sóc trẻ như thế nào là tốt nhất. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, ThS. điều dưỡng Chu Thị Hoa - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau một vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời. Những trẻ đã từng bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai.

Không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sĩ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát: đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn… cần đưa trẻ đến viện khám ngay.

Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng không. Nếu có nguyên nhân thực thể, trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.

Phương Anh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến

Hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến

1 năm trước

Từ ngày 18/9 đến 17 giờ 00 ngày 30/9, Bộ GD&ĐT mở Hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Gần 80 trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022

Gần 80 trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022

1 năm trước

Đến cuối ngày 15/9, gần 80 trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2022 với mức cao nhất là 29,95 điểm ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà...
Nhiều bệnh viện trên cả nước thiếu thuốc giải độc

Nhiều bệnh viện trên cả nước thiếu thuốc giải độc

1 năm trước

Trước thực tế tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) và nhiều bệnh viện lớn thiếu các thuốc giải độc, Bộ Y tế cho biết đang hướng dẫn các bệnh viện đặt đơn hàng, Cục Quản lý...
'Câu chuyện của những chuyến đi”

"Câu chuyện của những chuyến đi”

1 năm trước

Tọa đàm “Câu chuyện của những chuyến đi” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức ngày 16/9 nhằm mục đích tạo cơ hội cho các phóng viên, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực...