THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 12:15

Trẻ bị rối nhiễu tâm trí và những điều cha mẹ cần biết

28/10/2021 | 10:05
Trong cuộc sống thời hiện đại, đã xuất hiện nhiều trẻ em bị rối nhiếu tâm trí (RNTT). Làm thế nào để biết con bị RNTT và bố mẹ cần làm gì khi thấy trẻ có những biểu hiện RNTT?

Trẻ bị  RNTT như thế nào?

RNTT vì bị mắng chửi thô bạo:  Hoàng Tuấn 12 tuổi, thông minh khoẻ mạnh, nhưng nghịch ngợm và bướng bỉnh nên nhiều lần bị bố mẹ mắng mỏ bằng những lời lẽ thô tục, thậm chí nhốt ở trong nhà và phạt rất nặng. Sau những lần như vậy, Tuấn càng có những phản ứng bạo lực, kì quặc như: đại tiện ra rồi bôi phân lên tường, đập vỡ cốc, chai bia và bất cứ thứ gì vớ được trong cơn tức giận, trêu chọc, đánh, ném các con vật nuôi (chó mèo), đâm nát các con thú nhồi bông… Ở trường em cũng thường xuyên đánh nhau, xé sách vở, quần áo của các bạn, phá phách đồ dùng học tập, vẽ bẩn lên bàn học... Khi cô giáo hỏi nguyên nhân Tuấn trả lời: “Tại bị mắng nhiều quá nên con làm vậy cho đỡ tức…!?”       

Ngược lại với Tuấn, cháu Nguyễn Minh Phượng 10 tuổi lại lì lợm mỗi khi bị mẹ mắng chửi, hay phạt trói chân vào bàn. Sau lần bị quẳng vào chuồng lợn chỉ vì không chịu “Dạ” khi mẹ gọi, Phượng càng ít nói cười hơn. Em ngồi suốt ngày trong phòng, tự lẩm bẩm nói chuyện một mình. Từ một cô bé sôi nổi, vui tươi nay không bao giờ thấy em chạy nhảy, cười đùa và hát líu lo như trước nữa.

Khi hai gia đình đưa con đi khám ở Trung tâm Nghiên cứu tâm lí trẻ em, thì các em đã bị RNTT nặng và chuyển thành bệnh lí.

Một nhân viên của phòng khám Tu Na đang điều trị cho trẻ bị RNTT

Một nhân viên của phòng khám Tu Na đang điều trị cho trẻ bị RNTT

 

RNTT vì lạm dụng Internet: Trẻ em sử dụng nhiều Internet sẽ có nguy cơ bị RNTT cao hơn các em khác. Thanh 16 tuổi, là con một  trong gia đình khá giả. Do cha mẹ bận rộn suốt ngày nên ít có thời gian trò chuyện với em, Thanh chỉ biết vùi đầu vào Internet chát chít, thậm chí thăm hỏi mẹ qua mạng. Lâu ngày, hai mẹ con đều cảm thấy khó nói chuyện với nhau khi ở gần. Đứng trước người ngoài Thanh cũng khó bày tỏ một điều gì vì tự ti, mặc cảm. Cậu mến một bạn gái nhưng trước cô bé, cậu lúng túng như gà mắc tóc, ăn nói ngô nghê, hai tay luôn xoắn vào nhau. Thanh chán nản với chính mình, học hành giảm sút, xa rời mọi người và trong cơn tuyệt vọng đã uống thuốc ngủ tự tử. Rất may gia đình phát hiện và đưa em đi cấp cứu kịp thời.

Cháu Mạnh cũng mê Intrnet quên ăn, quên ngủ, thường tò mò muốn tìm hiểu về sex và thủ dâm nhiều lần. Mạnh quen qua mạng một người đàn bà từng trải và chị ta đã đưa cậu bé vào đời. Nhưng do không đáp ứng được nhu cầu của “người tình”, cậu đã bị sốc và luôn sợ hãi, có nhiều biểu hiện lệch chuẩn. Gia đình phải đưa Mạnh đến các bác sĩ và chuyên gia tâm lí, để trị liệu RNTT.       

 RNTT do sức ép học hành và bị cô đơn: Một học sinh THCS cũng uống thuốc ngủ tự tử, do bị bố mẹ ép học quá nhiều môn như: tin học, ngoại ngữ, nhạc, hoạ… và phải luôn đạt điểm cao. Càng ngày em càng buồn chán, em nghĩ rằng chỉ có chết thì mới không phải học và lén lấy 2 vỉ thuốc ngủ của mẹ uống, may được đưa vào Khoa chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. 

Một em gái khác con nhà giàu luôn tới trường bằng xe ô tô, mặc dù em rất muốn sống hoà nhập cùng các bạn, nhưng cha mẹ em lại không muốn con chơi với con cái nhà “bình dân” khiến cô bé sống trong một thế giới khác, chẳng có bạn bè. Một hôm em bị ngã chảy máu chân, các bạn xúm lại hỏi thăm khiến cô bé rất cảm động. Em  nghĩ rằng, chỉ có bị chảy máu thì các bạn mới quan tâm nên ngày nào cũng lấy compa hay vật nhọn đâm vào người gây chảy máu.

Những hành động tự tử, tự thương như hai trường hợp ở trên cũng được các bác sĩ, các nhà khoa học xếp vào hiện tượng bị RNTT.

Các bậc cha mẹ nên làm gì ?

Theo chuyên gia tâm lí  - TS. Lã Thị Bưởi, RNTT là biểu hiện sự lệch lạc về sức khoẻ tâm thần của một con người trong một thời gian dài, vượt khỏi sự tự điều chỉnh trở lại cân bằng của cơ thể và cần phải có sự can thiệp chuyên môn để tránh vùng xoắn rối nhiễu nặng dần, dẫn đến các tổn thương khó hồi phục. Các biểu hiện của RNTT đối với Trẻ dưới 5 tuổi là khóc quấy dai dẳng nhiều ngày, hoặc không khóc, không cười, không có biểu hiện phản ứng với xung quanh; Cáu kỉnh, bướng bỉnh, hành hạ vật nuôi, không biết sợ nguy hiểm; Có hành vi khác thường, hay phá đồ chơi, đồ vật trong nhà hoặc thu mình, không chơi với trẻ khác… Còn đối với trẻ từ 6 -18 tuổi  bị RNTT thường hiếu động quá mức, giảm chú ý, học sút kém, bỏ nhà đi qua đêm; Hay la hét, cáu giận vô cớ, khó bảo, hung bạo, ăn cắp; Thường xuyên buồn bã, tỏ ra lo lắng không đáng có, dễ hoảng sợ, có ý định tự tử; Hay kêu đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, ốm, đái dầm mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể.

TS. Lã Thị Bưởi tư vấn cho trẻ bị RNTT

TS. Lã Thị Bưởi tư vấn cho trẻ bị RNTT

Nếu phát hiện con bị RNTT, điều trị như thế nào? Có nhiều liệu pháp để cha mẹ lựa chọn đó là: Liệu pháp tâm lý áp dụng đối với hầu hết trẻ bị RNTT, thường kéo dài từ ít nhất 3 tháng đến 1 năm; Liệu pháp dùng thuốc ít sử dụng hơn liệu pháp tâm lý; Liệu pháp cuối cùng là Can thiệp cộng đồng, tác động thay đổi môi trường sống của trẻ. Có thể kết hợp sử dụng cả ba biện pháp trên, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, can thiệp cộng đồng còn hạn chế và liệu pháp tâm lý được ưu tiên số một.

Để phòng tránh RNTT cho trẻ, cha mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn để thấu hiểu tâm tư tình cảm của con, phát hiện những khó khăn và bất thường của con. Cần thực sự lắng nghe con, hòa mình vào thế giới của trẻ để hiểu con mình muốn gì. Mỗi ngày, hãy khuyến khích trẻ kể chuyện trường lớp, bạn bè và thực sự lắng nghe, chia sẻ. Như thế, bố mẹ sẽ được trẻ tin cậy để gửi gắm nỗi niềm. Sự gần gũi này cũng giúp bố mẹ nhận ra ngay những thay đổi của con. Việc lắng nghe con cái phải dựa trên tinh thần bình đẳng gần như bạn bè, thì trẻ mới mở lòng mình được. Đừng hỏi han con theo kiểu áp đặt gia trưởng, cũng đừng phán xét, nếu không trẻ sẽ sợ hãi và xa lánh, con đường để bố mẹ đến với nội tâm của trẻ sẽ xa thêm. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở khám, trị liệu RNTT cho trẻ em để sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Bài và ảnh: Tuấn Nam
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn UNICEF ủng hộ học sinh nghèo 1.500 máy tính bảng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn UNICEF ủng hộ học sinh nghèo 1.500 máy tính bảng

2 năm trước

Tại buổi tiếp Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn bà Rana Flower, và thông qua bà Rana Flower gửi lời cảm ơn UNICEF về...