THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 03:50

Trẻ em có quyền được tiêm phòng đầy đủ

07/12/2020 | 10:37

Vì sao trẻ em cần tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch?

Theo PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bản chất việc tiêm phòng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm. Khoảng 85%-95% người được tiêm phòng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm phòng không bị mắc bệnh và sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm, trên thế giới đã cứu sống 2-3 triệu trẻ em khỏi các căn bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm phòng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm phòng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm muộn, sẽ dẫn đến nguy cơ cao trẻ bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Vì sức khỏe của con em mình, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí tại các xã/phường) và cả những vắc-xin chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (mất phí tại các Trung tâm y tế hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ, Bệnh viện). Tiêm phòng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội, để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

 

Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp cơ thể có được khả năng miễn dịch chủ động, chống lại các bệnh nguy hiểm đã được chích ngừa. Ảnh KT


Sốc phản vệ là gì? Nó có nguy hiểm?

TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, phản vệ là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các mối nguy hại từ bên ngoài. Phản ứng đó nhìn chung là có lợi. Nhưng đôi khi phản ứng mạnh mẽ lại trở thành có hại gây sốc phản vệ.

Ở trẻ em, sốc phản vệ là phản ứng nguy hiểm nhất khi tiêm vắc-xin, khiến trẻ có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Trung bình, 1 triệu ca tiêm phòng vắc-xin mới có 1 ca gặp phải tình trạng sốc phản vệ.

Biểu hiện của sốc phản vệ là cơn suy tuần hoàn cấp với các triệu chứng chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp bị tụt hoặc kẹt, bị khó thở, co thắt thanh quản, co rút cơ thành bụng hay tiêu chảy, da xanh. Đó là lý do vì sao khi tiêm phòng, các bác sĩ/y tá thường yêu cầu bệnh nhân ở lại 30 phút để theo dõi và xử trí kịp thời nếu không may xảy ra tình trạng sốc phản vệ.

Ngoài phản ứng tức thời và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, các phản ứng phụ của vắc-xin cũng cần được cha mẹ lưu ý thu thập, báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm.



Cần theo dõi sức khỏe của trẻ em sau khi tiêm văc-xin đề phòng những biến chứng do sốc phản vệ gây ra. Ảnh minh họa KT

 

Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em. Cùng với các quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979. Từ năm 2000, Việt Nam đã chính thức thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Việt Nam đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020.


Phòng ngừa phản vệ nguy hiểm sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ

Vắc-xin có thể được bào chế từ vi khuẩn, virus hay độc tố của chúng hoặc được tái tổ hợp từ các kháng nguyên đặc hiệu. Do đó, bảo quản vắc-xin là vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng vắc-xin cũng như an toàn, tránh sốc phản vệ nguy hiểm sau khi tiêm.

Ngoài ra, trước và sau khi tiêm vắc-xin, cần phải bảo đảm các quy trình cần thiết theo quy định.

Sau khi tiêm vắc-xin, người được tiêm, nhất là trẻ em cần phải được theo dõi chặt chẽ để chắc chắn không có phản ứng sốc phản vệ hay các phản ứng nguy hiểm khác. Thông thường, người được tiêm phải theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm vì hầu hết các tai biến nguy hiểm đến tính mạng xảy ra trong vòng 10 phút sau khi tiêm.

Mọi vấn đề gặp phải sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ em đều cần báo cáo với cơ sở y tế tiêm phòng để được can thiệp kịp thời, đồng thời ghi chép lưu ý sử dụng vắc-xin sau này.

Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng nguy cơ đặc biệt

Những trẻ đã từng có phản ứng mạnh với lần tiêm vắc-xin trước, các mũi tiêm phòng vắc-xin sau nên tiêm trong các bệnh viện để trẻ được theo dõi tốt hơn và dễ dàng xử trí kịp thời nếu phản ứng nặng xảy ra.

Trẻ em sinh non, trẻ mắc các bệnh như hen phế quản, tim hoặc phổi mãn tính, bị hội chứng down, nhiễm HIV... rất dễ có nguy cơ phản ứng mạnh sau khi tiêm vắc-xin. Các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con tiêm phòng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng các loại vắc-xin sống như BCG (phòng lao), bại liệt uống, sởi cho trẻ bị nhiễm HIV; trẻ sinh non nên tiêm phòng vào tháng thứ hai sau khi sinh, trẻ sinh cực non đã từng mắc các bênh tim, phổi, nhiễm trùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.


Do không được tiêm phòng đầy đủ, dịch bệnh nghiêm trọng như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản đã xảy ra ở một số nơi, khiến không ít người tử vong. Chỉ trong 2 tháng 4 và 5/2017, Việt Nam ghi nhận 9 bệnh nhân bệnh bạch hầu ở 3 xã của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. 2 người trong số đó đã tử vong, 8/9 người mắc bệnh chưa tiêm hoặc không rõ về tiền sử tiêm phòng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2017, đã có 119 ca bệnh ho gà, trong đó có 2 trẻ em tử vong. 6 tháng đầu năm 2017 có 83 ca mắc viêm não Nhật Bản…

Theo Khánh Linh/GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...