THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:16

Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được nhận nuôi có thời hạn: Nhiều em tìm được mái ấm gia đình

11/10/2021 | 07:02
Trẻ em luôn cần sự quan tâm chăm sóc từ gia đình và xã hội, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB). Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, triển khai hiệu quả Mô hình Gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐB.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn (phường Cẩm Tây, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) đang nhận nuôi em Vũ Thị Hương Giang (15 tuổi) - một em nhỏ thiếu may mắn và gặp nhiều khó khăn vì bố mất sớm, mẹ bỏ đi từ hồi em còn bé. Chị Nhàn cho biết, chị được cán bộ Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Quảng Ninh đến vận động, tuyên truyền về mô hình này. Sau đó, chị đã quyết định nhận Giang về nuôi. Em Giang chia sẻ: “Từ khi được mẹ Nhàn nhận nuôi, cuộc sống của em thay đổi rất nhiều. Em không còn cảm giác tủi thân khi thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập, ngoan ngoãn để đền đáp lại tấm lòng của mẹ”.

Hộ gia đình nhận hỗ trợ 1 lần để chăm sóc trẻ em khó khăn ở Tràng Định, Lạng Sơn. Ảnh: Tiểu Yến (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Hộ gia đình nhận hỗ trợ 1 lần để chăm sóc trẻ em khó khăn ở Tràng Định, Lạng Sơn. Ảnh: Tiểu Yến (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Trẻ em luôn cần sự quan tâm chăm sóc từ gia đình và xã hội, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB). Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, triển khai hiệu quả mô hình gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐB. Và Giang chỉ là một trong nhiều em có HCĐB nhận được sự quan tâm của chính quyền cũng như những người dân địa phương.

Theo Cục Trẻ em, năm 2020, dân số trẻ em là 24.776.733 em (chiếm 25,75% trên tổng dân số), trong đó tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%).

Thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân  chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020” (gọi tắt là Đề án 647) của Thủ tướng Chính phủ, một số UBND tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Nguyên,… đã giao các Sở LĐ-TB&XH triển khai thí điểm Mô hình Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐB (gọi tắt là mô hình) ở một số huyện nhằm trợ giúp các em ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có HCĐB với trẻ em bình thường.

Thực hiện thí điểm mô hình, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tọa đàm, sinh hoạt nhóm để nâng cao kĩ năng giáo dục trẻ cho các gia đình. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ theo dõi, nắm bắt về đời sống của các em, từ đó có kế hoạch tư vấn, can thiệp kịp thời khi các em gặp khủng hoảng trong tâm lý. Từ ngày được nhận nuôi, không em nào bỏ học hay bị lưu ban; không em nào chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình, bạo lực giới, hay phải lao động sớm. Nhờ có sự chia sẻ động viên từ gia đình, các em đã vượt qua những khó khăn, mất mát đầu đời, ổn định tâm lý để học tập, hòa nhập với bạn bè. Gặp các em với nụ cười rạng rỡ, hân hoan, em nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ai cũng thấy ngay đó là bản báo cáo thu hoạch rõ ràng nhất kết quả 7 năm thực hiện Đề án 647.

Giúp cho nhiều trẻ tìm được mái ấm gia đình thực sự

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn trao tiền hỗ trợ cho  trẻ em khó khăn tại Tràng Định. Ảnh: Tiểu Yến (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn trao tiền hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại Tràng Định. Ảnh: Tiểu Yến (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt CTXH trợ giúp trẻ có HCĐB. Mô hình đã giúp cho nhiều trẻ tìm được mái ấm gia đình thực sự và hòa nhập với cộng đồng. Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CCDVCTXH) Thanh Hóa đã triển khai thí điểm mô hình trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện: Nga Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hậu Lộc và Hoằng Hóa với 31 gia đình nhận nuôi dưỡng, 32 trẻ có HCĐB được thụ hưởng. Các gia đình được hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng trẻ từ 405.000đ – 675.000đ/tháng/trẻ; hỗ trợ mua sách vở, mua sắm các đồ dùng cá nhân cho trẻ là 700.000 đồng/trẻ/năm.

Trước đây, khi chưa được sự hỗ trợ của mô hình, cuộc sống của trẻ còn gặp nhiều khó khăn, chưa được đảm bảo về các nhu cầu cơ bản. Sau khi được hỗ trợ, trẻ được đảm bảo môi trường sống an toàn, tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội; nâng cao nhận thức, kỹ năng sống. Bà Lê Thị Sâm, Phó Giám đốc Trung tâm CCDVCTXH Thanh Hóa cho biết: Việc triển khai mô hình đã giúp trẻ được trải nghiệm cuộc sống gia đình thực sự, và đủ điều kiện để phát triển về thể chất, tinh thần, hòa nhập cộng đồng.

Các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ninh được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Ảnh: Hoa Đỗ (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ninh được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Ảnh: Hoa Đỗ (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Tuy nhiên, bà Lê Thị Sâm cũng cho biết, do đây là hình thức chăm sóc thay thế còn mới tại Việt Nam nên trong quá trình triển khai còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức của chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng về việc nhận nuôi có thời hạn trẻ, chủ yếu người nhận nuôi trẻ vẫn chỉ là người thân và họ hàng. Đội ngũ cán bộ làm CTXH đối với trẻ có HCĐB còn thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, phương pháp chăm sóc trợ giúp trẻ; kinh phí còn hạn hẹp.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn Đàm Văn Chính khẳng định: Việc thực hiện Đề án 647 đã góp phần cho các em có HCĐB có cuộc sống ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành sơ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án và từ đó có đề xuất với Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Nhật Minh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Hỗ trợ trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Hỗ trợ trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19

2 năm trước

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến hết ngày 8/10, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, có 1.970 trẻ mất cha hoặc mẹ.