THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:32

Trẻ khuyết tật có thể làm bất kỳ điều gì nếu được tạo cơ hội tốt

05/11/2021 | 06:05
Trên hành trình tìm kiếm nền giáo dục tốt hơn cho bản thân để có thể thay đổi số phận, hai em Đào Thuỳ Linh và Trần Văn Báu tuy bị hạn chế về thị lực nhưng đã nỗ lực vươn lên biến ước mơ trở thành hiện thực, đặc biệt là mong muốn thay đổi định kiến của xã hội về người khuyết tật.

Mong muốn mãnh liệt của em Đào Thuỳ Linh

Em Đào Thuỳ Linh chia sẻ: “Em bị ung thư mắt lúc mới chào đời và phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng. Dẫu theo học tại một ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, em vẫn cảm thấy rụt rè vì vẻ bề ngoài cũng như khuyết tật của bản thân”, Linh chia sẻ về lần đầu em nhận ra sự phân biệt đối xử mà người khuyết tật phải đối mặt và cảm thấy mong muốn mãnh liệt phải thay đổi điều đó.

Em Đào Thuỳ Linh. Ảnh: Ngọc Minh

Em Đào Thuỳ Linh. Ảnh: Ngọc Minh

“Em thường bị cho "ra rìa" ở một số hoạt động tập thể và điều này khiến em rất buồn. May mắn có những thầy cô đã nâng đỡ và giúp em nhận ra rằng người khuyết tật có thể làm bất kỳ điều gì nếu họ được tạo cơ hội và điều kiện thích hợp”.

Linh chia sẻ rằng, nhờ vậy mà em tự tin hẳn lên. Năm 17 tuổi, Linh quyết định thực hiện một hành động nhỏ nhưng tạo được tác động đầu tiên bằng cách chuyển qua học ở Trường THPT Cổ Loa, ngôi trường chưa từng nhận học sinh khiếm thị bao giờ. “Em phải tới lui vài lần để thuyết phục thầy hiệu trưởng nhận đơn xin chuyển trường của em”, Linh nhớ lại.

Linh còn chủ động chia sẻ cách học cũng như nhu cầu của bản thân cho giáo viên để tìm ra giải pháp chung trong việc giảng dạy cho học sinh khiếm thị.

Kết quả, Đào Thuỳ Linh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập cũng như trong các hoạt động khác. Linh từng làm diễn giả tại một sự kiện của trường để chia sẻ về cách học cũng như ước mơ trở thành nhà hoạt động xã hội của bản thân mình. “Bài diễn thuyết được đón nhận nồng nhiệt ngoài mong đợi của em”, Linh vui mừng cho biết.

Sự dũng cảm và quyết tâm của Đào Thuỳ Linh đã mở lối cho các bạn khác và giúp Trường THPT Cổ Loa tự tin mở rộng cửa đón thêm học sinh khiếm thị.

“Em may mắn có được nhóm bạn thân và gia đình yêu thương, những người luôn ủng hộ các sáng kiến của em và khuyến khích em hãy cố gắng vượt bậc để thực hiện điều mình mong muốn”, Linh tự hào chia sẻ về mạng lưới hỗ trợ Step Club – Hành động vì người khiếm thị, do em và các bạn sáng lập nên. Cả nhóm đã cùng nhau tổ chức hơn 10 cuộc thi và các lớp học cho người khiếm thị trên khắp cả nước. “Cuộc thi gần đây nhất đã chạm mốc hơn 10.000 lượt tương tác trên Facebook”, Linh cho biết.

Đào Thuỳ Linh mơ ước sẽ trở thành một nhà hoạt động xã hội với mong muốn thay đổi định kiến của xã hội về người khuyết tật, như một trong những câu nói yêu thích của Linh từ Linda Staten – “Sẽ luôn có những ước mơ hoặc hùng vĩ hơn hoặc khiêm nhường hơn ước mơ của chính bạn, nhưng sẽ không bao giờ có một ước mơ hệt như ước mơ của riêng bạn… vì bạn là duy nhất và kỳ diệu hơn bạn biết”.

Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT Đào Thuỳ Linh. Ảnh: Ngọc Minh

Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT Đào Thuỳ Linh. Ảnh: Ngọc Minh

Em Đào Thuỳ Linh vừa trở thành tân sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Đại học RMIT.

Như phương châm về thành công của bản thân – “Thực hiện từng bước nhỏ đều đặn và liên tục”, Đào Thuỳ Linh vẫn tiếp tục tiến lên phía trước và tạo tác động theo cách riêng của mình.

Hành trình bồi đắp sự tự tin của em Trần Văn Báu

Trên hành trình tìm kiếm nền giáo dục tốt hơn cho bản thân, em Trần Văn Báu đã rời quê nhà Hà Tĩnh năm em mới 9 tuổi. “Ở quê, em có rất ít lựa chọn học hành dành cho học sinh khiếm thị”, Báu nhớ lại. “Chúng em đơn thuần chỉ được học đọc, học viết rồi thôi”.

Em Trần Văn Báu tuy bị khiếm thị nhưng có nhiều khả năng hát, chơi đàn guitar, thổi sáo trúc... Ảnh: Nhật Minh

Em Trần Văn Báu tuy bị khiếm thị nhưng có nhiều khả năng hát, chơi đàn guitar, thổi sáo trúc... Ảnh: Nhật Minh

Phải tự chăm sóc bản thân từ thưở còn thơ suốt thời gian sống ở Bình Dương và sau đó tại một mái ấm ở TP. Hồ Chí Minh là giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng hết sức giá trị với Báu. Em Báu chia sẻ: “Thời gian đó em hơi bối rối vì không biết làm gì để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Và rồi, bên cạnh việc nỗ lực học hành, với bất cứ cơ hội nào có được Báu luôn cố gắng tận dụng tối đa với niềm tin mãnh liệt rằng “nếu bạn nỗ lực hết sức sẽ luôn có cơ hội dành cho bạn”. “Ngoài việc học chính khoá, em còn được tiếp cận với công nghệ thông tin, các lớp học ngoại ngữ, cũng như các lớp học kỹ năng sống và kỹ năng mềm”, Báu nhớ lại hành trình bồi đắp sự tự tin cho bản thân qua nhiều năm dài.

“Suốt nhiều năm, em đã có thể tự đi từ mái ấm đến nơi này nơi khác bằng xe buýt công cộng”, Báu nói và chia sẻ thêm về tài chơi guitar và sáo trúc, cũng như thành tích cao ở một số cuộc thi dành cho người khiếm thị như chơi cờ domino, thi hát và thi đấu Judo.

Năm 2018, Báu và bạn thân của mình đã thực hiện một dự án có tên gọi “Dạy để chia sẻ, cho bạn ngày mai”.

Báu cho biết: “Đây là một trong những dự án nhận được sự hướng dẫn của UNICEF cộng tác cùng Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh (SIHUB) thông qua chương trình Thế hệ không giới hạn năm 2018-2019”.

“Chúng em đã thực hiện những buổi hướng dẫn chia sẻ và hoạt động cho các bạn trẻ, giúp các bạn giảm thời gian ngồi trước màn hình và trân quý những điều bình thường trong cuộc sống” - Báu chia sẻ.

Đó cũng là lúc Báu nhận ra rằng “khuyết tật thật ra chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh”.

Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT Trần Văn Báu.

Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT Trần Văn Báu.

Bao nỗ lực của Báu đã được ghi nhận và em đạt được mốc quan trọng trở thành một trong những sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT năm 2021. Vốn là người ham học hỏi, nên hiện tại trong thời gian chuẩn bị vào học ngành Ngôn ngữ, Đại học RMIT, Báu vô cùng háo hức mong được tích lũy kiến thức và kỹ năng mới để cậu bạn có thể chuyển ngữ các nguồn tài liệu quý báu sang tiếng Việt, nhằm giúp mọi người, nhất là người khiếm thị, có thể tiếp cận với những thông tin hết sức cần thiết.

Đào Thuỳ Linh và Trần Văn Báu nằm trong nhóm sáu sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT năm nay thông qua sự hợp tác với bốn tổ chức phi chính phủ gồm REACH, KOTO, Hội người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai.

Việt Cường
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...