THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 03:27

Trẻ mất tích - Nỗi lo ngày càng lớn

22/09/2020 | 08:45

Một tài khoản đăng tin nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ tìm kiếm cháu Phạm Thị Phương Anh bị mất tích. Ảnh KT


         
Xem xét những trường hợp cụ thể mất tích ở Hải Phòng trong tuần qua


Mạng xã hội và báo chí cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng đã xảy ra 3 vụ với 4 người bị mất tích.


Cụ thể, vào ngày 13/9/2020, cháu Phạm Thị Kim Ngân (SN 2005, học sinh lớp 10 Trường THPT Kiến Thụy) có xin phép gia đình đi liên hoan lớp nhưng mãi không thấy về. Gia đình đã đăng thông tin lên mạng xã hội và nhận được thông tin: Cháu Ngân cùng 4 thanh niên lên xe khách 16 chỗ chuyên tuyến Hải Phòng – Hà Nội và xuống xe tại Tân Triều (Hà Nội). Gia đình đã trình báo cơ quan Công an, ngày 15/9/2020, Công an huyện Kiến Thụy phát thông báo tìm cháu Phạm Thị Kim Ngân. Sáng 17/9/2020, gia đình cháu Phạm Thị Kim Ngân đã nhận được tin báo về việc tìm thấy nữ sinh này tại Lạng Sơn. Trưa cùng ngày, gia đình đã đi Lạng Sơn để đón cháu Ngân về.


Vào ngày 16/9/2020, tài khoản Facebook cá nhân có tên Ngọc Tân đã đăng tải bài viết trên hội nhóm Kiến Thụy thông báo: Cháu gái tài khoản này là Phạm Thị Phương Anh (SN 2005, sống tại thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) rời nhà từ trưa 15/9/2020, mong muốn cộng đồng mạng hỗ trợ tìm kiếm. Sau khi đăng tải thông tin, gia đình Phương Anh đã nắm được, vào lúc 0h ngày 15/9, Phương Anh có xuất hiện tại quán ăn đêm khu vực Ngã tư thị trấn An Dương (huyện An Dương) cùng hai thanh niên tóc nhuộm vàng. Chính quyền địa phương xác nhận đã nắm được thông tin, lực lượng chức năng đang tìm kiếm.


Cùng ngày 16/9/2020, ông Nguyễn Duy Vũ (SN 1953, trú tại thị trấn Núi Đôi, Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) đã làm đơn trình báo tới cơ quan Công an việc con trai ông là Nguyễn Duy Cường (SN 1984, trú tại Đông Khê, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) cùng con gái Nguyễn Thị Thảo Uyên (SN 2017) đã rời khỏi nhà từ ngày 14/9 đến nay chưa về; khi rời đi, con trai ông để ô tô và điện thoại ở nhà, không thông tin nên không ai rõ nguyên nhân. Gia đình đã trình báo tới cơ quan chức năng để được tìm kiếm hai bố con anh Cường.


Như vậy, đến thời điểm này, 4 người (3 trẻ em) được cho là mất tích trong 3 vụ việc độc lập, không liên quan đến nhau. Thông qua mạng xã hội và các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chức năng mới chỉ tìm thấy 1 và đã đưa cháu trở lại với gia đình. Nguyên nhân vì sao cháu bỏ nhà ra đi chưa được làm rõ.


Ảnh minh họa KT
      

Có vô vàn nguyên nhân khiến trẻ em mất tích


Một người được xem là mất tích khi trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 12 giờ), những người gần gũi không nhìn thấy, hoặc không liên lạc được. Nguyên nhân của các vụ mất tích có rất nhiều: trẻ giận bố mẹ, người thân nên bỏ nhà ra đi; bị bạn bè lôi kéo, rủ rê nên đi bụi; bị kẻ ngáo đá, tâm thần khống chế và đưa đi đâu đó; đi lạc; bị kẻ xấu bắt cóc; bị tai nạn giao thông, đuối nước... Đặc điểm chung của các vụ mất tích này là đều ít nhiều chứa đựng yếu tố bí ẩn nên gia đình khó nhanh chóng tìm được manh mối. Thông thường, gia đình phải nhờ đến các cơ quan chức năng và mạng xã hội.


Dù là do nguyên nhân gì, tất cả các vụ mất tích đều gây lo lắng cho gia đình, người thân, gây hoang mang cho xã hội. Kết cục của các vụ mất tích cũng rất khác nhau. Có một số vụ có kết quả khá tốt đẹp là các cơ quan chức năng tìm lại được trẻ mất tích, đưa về đoàn tụ với gia đình. Một số vụ có kết quả bi thảm là các cháu chỉ được tìm thấy khi đã bị thương vong. Số còn lại gia đình mong ngóng hết ngày này qua ngày khác với tâm trạng day dứt không yên...


Trong tất cả các nguyên nhân thì nguyên nhân bị tai nạn là đáng sợ nhất. Trẻ em bị mất tích vì tai nạn thường có kết cục bi thảm, nhiều trường hợp được tìm thấy sau khi nạn nhân đã tử vong. Mất tích vì bị bắt cóc cũng vô cùng đáng sợ, thường là nạn nhân bị đưa đi xa, thậm chí là bị bán ra nước ngoài. Số phận của nạn nhân như thế nào thì khó ai đoán định được, trong đó có điều đáng sợ nhất là có thể bị bán lấy nội tạng như dư luận thường đồn đoán.


Một số biện pháp phòng, tránh trẻ mất tích


Như chúng ta thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị mất tích nhưng hầu như nguyên nhân nào cũng liên quan tới cách ứng xử của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình. Điều nhẹ nhàng dễ gặp nhất là trẻ không hài lòng với cách ứng xử của cha mẹ (bị cấm đoán, bị chửi mắng, bị oan ức...) nên bỏ nhà ra đi. Vì vậy, việc trước hết là các bậc cha mẹ nên đối xử với con cái một cách công bằng, dân chủ. Nếu có mâu thuẫn xảy ra thì tìm cách giải quyết thấu đáo, đặc biệt phải quan tâm đến diễn biến tâm lý của con cái khi có mâu thuẫn xảy ra.


Mạng xã hội ngày càng “tham gia” sâu vào đời sống của trẻ em. Các em chưa đủ lớn khôn để tránh được những cạm bẫy giăng ra trên mạng. Đã có nhiều trường hợp các em bỏ nhà ra đi vì những mối quan hệ được thiết lập qua mạng xã hội. Kinh nghiệm cho hay là kết cục của những mối quan hệ này không mấy tốt đẹp, nhẹ nhàng thì bị xâm hại, nặng nề thì bị bán đi biệt tích, thậm chí bị giết chết. Do vậy, tìm cách kiểm soát việc con em bị mạng xã hội “dẫn dắt” là điều cần thiết.


Việc trẻ em bị mất tích do tai nạn cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, về nguyên tắc, người lớn phải kiểm soát được hoạt động của trẻ em, phải nắm được thời gian nào các cháu ở trường, thời gian nào về nhà, chơi đùa ở đâu, với những ai... Nếu làm tốt việc này, sẽ hạn chế được việc trẻ bị mất tích do tai nạn.


Trẻ bị bắt cóc là điều các bậc cha mẹ lo lắng nhất, xã hội cũng rất hoang mang. Bắt cóc trẻ em là phạm tội ác nên các hung thủ có rất nhiều mánh khóe, kể cả những mánh khóe rất thâm độc. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nêu cao cảnh giác và hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để phòng, chống có hiệu quả.


Chỉ lo không thôi là không giải quyết được vấn đề, cần phải hành động.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...