THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 07:33

Trẻ sơ sinh bị sặc sữa: Sơ cứu đúng cách và kịp thời rất quan trọng

28/10/2021 | 15:34
Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là tai nạn thương tích tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy, nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ để lại di chứng về não do thiếu oxy, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Thời gian vừa qua, ghi nhận tại các bệnh viện, số trẻ em bị sặc sữa khá nhiều. Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi Thái Bình ghi nhận trường hợp bệnh nhi mới chỉ 1 tháng tuổi tử vong do sặc sữa.

Gia đình cho biết, sau khi bú mẹ khoảng 30 phút, bé đang nằm trên giường thì tím tái, không phản xạ nên gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Khi nhập viện, bé đã trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, có dịch sữa ở đường miệng và mũi. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sặc sữa, nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhi sau đó không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết, sặc sữa là hiện tượng sữa trào ngược vào đường thở gây khó thở, sặc sụa, tím tái. Sặc sữa tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy, nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ để lại di chứng về não do thiếu oxy, nặng sẽ dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân sặc sữa thường do mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, khiến thực phẩm (đặc biệt là sữa) rất dễ lọt vào đường thở.

Dấu hiệu nhận biết sặc sữa ở trẻ sơ sinh gồm: trẻ đang bú hoặc đang nằm (sau bú) đột ngột ho mạnh, ho sặc sụa, tím tái hoặc lịm đi; có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng.

Một em bé bị sặc sữa  được cấp cứu tại BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh BVNĐ

Một em bé bị sặc sữa được cấp cứu tại BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh BVNĐ

Các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhớ rằng, việc xử lý, sơ cứu đúng cách khi trẻ bị sặc sữa là đặc biệt quan trọng, giúp bé nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, người lớn cần lập tức làm theo thứ tự các bước sau:

Bước 1: Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Trẻ vẫn ho tức là đường thở chỉ bị tắc nhẹ. Sau đó, lau sạch sữa ở miệng, mũi và các bộ phận khác.

Bước 2: Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú 1- 2cm. Lặp lại 5 đến 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại.

Bước 3: Kiểm tra lại đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh, càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sặc sữa ở trẻ sơ sinh sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp do sữa tràn vào phế quản.

Bước 4: Trẻ có biểu hiện ngừng thở: Sau kết hợp các biện pháp trên và khi đã hút sạch đường thở, mà trẻ vẫn ngừng thở thì phải kết hợp với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào và thấy lồng ngực hơi nhô lên. Hà hơi thổi ngạt khi trẻ có nhịp thở, sau đó phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Lưu ý, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sặc sữa, trong khi cấp cứu tại nhà cần gọi ngay người hỗ trợ để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng ngừa sặc sữa ở trẻ em, đặc biệt là với trẻ sơ sinh thì cần lưu ý là tư thế cho bú rất quan trọng.

Với trẻ bú mẹ, khi cho con bú, người mẹ nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, phải cho bú từ từ, không vội vàng, nhất là với những bé còn yếu, sinh non tháng. Quan sát trẻ trong khi bú, tốt nhất là thấy được con nuốt hết sữa ở miệng sau khi mút sữa. Khi trẻ ho hoặc khóc, phải ngừng cho bú ngay, để con nuốt hết sữa trong miệng, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng. Nếu thấy sữa chảy xuống quá nhiều, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa. Sau khi bú xong, nên bế con nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ, vỗ lưng nhẹ để bé ợ hơi từ trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc sữa.

Với những trẻ bú bình, ngoài việc chú ý tư thế cho trẻ bú, còn cần để ý đầu núm vú cao su không quá rộng, tốt nhất đục 1 đến 2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú. Khi cho bú, người lớn nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, giúp trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn. Khi dùng thìa bón sữa, mẹ nên đổ từ từ, bé nuốt hết mới tiếp tục bón thìa khác.

Lưu ý, sau khi trẻ bú no, không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường hoặc nôi mà nên bế lên. Chú ý bế trẻ thẳng đứng sau ăn khoảng 20-30 phút, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Cho trẻ ngủ ở tư thế đầu cao. Không quấn tã chật hoặc mặc đồ chật làm tăng áp lực ổ bụng, tránh tình trạng sặc sữa, trào ngược sau khi bú.

Anh Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ bị rối nhiễu tâm trí và những điều cha mẹ cần biết

Trẻ bị rối nhiễu tâm trí và những điều cha mẹ cần biết

2 năm trước

Trong cuộc sống thời hiện đại, đã xuất hiện nhiều trẻ em bị rối nhiếu tâm trí (RNTT). Làm thế nào để biết con bị RNTT và bố mẹ cần làm gì khi thấy trẻ có những biểu hiện RNTT?
Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền sống – cha mẹ cần quan tâm để đảm bảo quyền được sống của trẻ em

Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền sống – cha mẹ cần quan tâm để đảm bảo quyền được sống của trẻ em

2 năm trước

Một trong những quyền cơ bản nhất của trẻ em là quyền sống, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.