THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 05:14

Trở lại trường học an toàn

10/02/2022 | 22:46
Trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết là một sự kiện đặc biệt với nhiều trẻ em. Các em vừa háo hức vừa lo lắng, có em cảm thấy thiếu động lực tham gia những hoạt động từng yêu thích ở trường vì nhiều nguyên do khác nhau: Có thể vì vừa mất đi người thân, lo lắng về sự an toàn của bản thân khi dịch vẫn còn lây lan mạnh trong cộng đồng, choáng ngợp trước lượng thông tin khổng lồ về dịch bệnh…
Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt 5K

Việc trở lại trường học của học sinh, sinh viên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan chỉ đạo, lên kế hoạch và triển khai kiểm tra các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học về việc đưa học sinh, sinh viên đi học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phấn đấu trước ngày 14/2/2022; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền.

Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường như tiêm vaccine; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học; có kinh nghiệm điều trị các ca mắc Covid-19 là trẻ em… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khi 20 triệu học sinh trở lại trường thì số trẻ mắc bệnh có thể tăng lên, bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K…

Em Đỗ Duy (học sinh lớp 9 trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội) kể, trong ngày đầu tiên đi học (ngày 8/2), lớp chỉ em có một số bạn bỏ khẩu trang để ăn vặt và nói chuyện trong giờ ra chơi. Nhưng đến ngày đi học thứ hai, đa phần các bạn đã không đeo khẩu trang trong giờ ra chơi. Điều này khiến em rất lo lắng vì có bạn là F1, trong gia đình nhiều người đang là F0.

Nếu trẻ mắc bệnh, vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường khi về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai - những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine Covid-19.

Mặc dù đến nay, tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 và số ca bệnh trẻ em diễn biến nặng thấp, nhưng vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Hiện các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây mắc bệnh cùng lúc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội.

Học sinh cần được hỗ trợ tích cực cả về kiến thức và sức khỏe thể chất, tinh thần

Hệ quả của việc đóng cửa trường học đang gia tăng. Bên cạnh lỗ hổng giáo dục, việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, Covid-19 đã gây ra tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em gái, thanh thiếu niên và những trẻ sống ở vùng nông thôn có nhiều khả năng gặp phải những vấn đề này nhất.

Ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF cho biết, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng gián đoạn học tập, việc chỉ mở cửa lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục những nội dung bị hổng kiến thức. Các trường học cũng cần vượt ra khỏi phạm vi học tập để giúp phục hồi sức khỏe tâm thần và thể chất, sự phát triển về mặt xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh phổ thông ở nhiều tỉnh, thành sau nhiều tháng chỉ học online và qua truyền hình. Trong đó, rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành Giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Hạnh - nguyên cán bộ Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nhà trường và giáo viên đóng vai trò then chốt giúp tăng cường khả năng ứng phó của trẻ em trước các tác động gián tiếp của dịch bệnh đối với cuộc sống. Trước hết, nhà trường và gia đình cần giúp các em hiểu đúng, bình tĩnh trong mọi tình huống để ứng phó với dịch. Giáo viên cần trao đổi với học sinh để trấn an tinh thần cho từng lứa tuổi học đường.

Đi học trở lại sau một thời gian dài ở nhà, học sinh sẽ phải tạo cho mình một thói quen sinh hoạt mới. Từ việc phòng chống dịch, chuẩn bị trang phục, di chuyển tới trường đến việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Do đó, để các em không bị “sốc”, các chuyên gia cho rằng, thời gian đầu, rất cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường.

Theo GS, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống dịch khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp.

Một số gợi ý hỗ trợ quá trình quay lại trường học suôn sẻ và thuận lợi hơn cho trẻ em:

- Giúp trẻ tập lại các thói quen và lịch sinh hoạt khi đi học như thức dậy và đi ngủ đúng giờ.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, chuẩn bị cho trẻ có sức khỏe tốt nhất khi quay lại trường.

- Để trẻ liên lạc với bạn bè vài ngày trước khi đi học lại.

- Đảm bảo trẻ nắm được các biện pháp phòng chống dịch và tình hình dịch bệnh hiện tại.

- Chuẩn bị tinh thần cho trẻ trở lại trường học bằng cách cùng lập kế hoạch cho tuần đầu tiên, trò chuyện về trường học, cùng trẻ ôn tập lại kiến thức.

- Hãy quan tâm, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời những lo lắng của trẻ khi quay lại trường học. Sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ nên là ưu tiên hàng đầu.

Đông Viên
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Mỹ triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi trong tháng 2

Mỹ triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi trong tháng 2

2 năm trước

Mỹ lên kế hoạch triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi sớm nhất vào ngày 21/2 tới.
'Với ngày như lá tháng như mây': Du hành về Sài Gòn một thời xa vắng

"Với ngày như lá tháng như mây": Du hành về Sài Gòn một thời xa vắng

2 năm trước

Tập tản văn "Với ngày như lá tháng như mây tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Trải...
Bảo tồn thận vỡ làm đôi do vấp chân ngã cho bé trai 5 tuổi ở Sóc Trăng

Bảo tồn thận vỡ làm đôi do vấp chân ngã cho bé trai 5 tuổi ở Sóc Trăng

2 năm trước

Vừa qua, tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ vừa tiếp nhận và điều trị bảo tồn thành công một trường hợp bé trai bị chấn thương thận nặng do vấp chân...