THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 04:49

Trong vòng vây công nghệ, bức ảnh này có khiến chúng ta giật mình ngẩng đầu lên?

03/03/2017 | 15:56

"Bóng ma" của công nghệ hiện đại, smartphone và mạng xã hội, những công cụ giải trí bủa vây càng lúc càng rút ngắn khoảng thời gian sống trong đời thực của chúng ta. Ăn smartphone, chơi smartphone, hẹn hò gặp gỡ smartphone, thậm chí đi tắm, vệ sinh cá nhân cũng smartphone. Sức hấp dẫn không thể chối từ, đó là điều mà không ai có thể phủ nhận về thế giới công nghệ hiện đại.

Thực tế đó đã thôi thúc rất nhiều tay máy ghi lại những khoảnh khắc đời thường rất đỗi chân thực, nhưng không khỏi khiến ai nấy giật mình. Giật mình vì ta nhìn thấy mình trong đó. Giật mình vì nhân loại đang cúi đầu (để nhìn màn hình) hơn là ngắm nhìn thế giới, chăm chút cuộc sống. Giật mình vì trong cuộc sống công nghệ, có những người lọt thỏm vào cô đơn: người già và trẻ nhỏ chẳng hạn.

"Không lối thoát trong vòng vây công nghệ", một bức ảnh của tay máy Sơn Vũ là một lát cắt như thế, trong những bức ảnh đời thường chân thực về "thế hệ cúi đầu"
 



"Không lối thoát trong vòng vây công nghệ" - bức ảnh khiến chúng ta giật mình suy ngẫm.


Được đăng tải trên một diễn đàn ảnh đời thường, bức ảnh này đã gây chú ý nhất định. Khuôn hình được khép rất chặt, chỉ có 4 nhân vật, nhưng đến 3 người đang "bận rộn" với việc của mình, bên chiếc smartphone. Em bé khoảng 2 - 3 tuổi là người duy nhất rành tay, ngồi nhìn ra phía trước với ánh mắt có vẻ mệt mỏi, trên đầu dán miếng hạ sốt. Đằng sau bé, một người đàn ông đang uống cafe thậm chí còn hút thuốc lá.

Bức ảnh này đã nhận được nhiều lời khen của các thành viên diễn đàn. Không ít người, như nick Nắng Gió, đã hơi trách bố mẹ em bé, vì đã không chú ý đến con trai mình. Nick này bình luận: "Ảnh này ý nghĩa lắm. Bố mẹ quan tâm tới con hơn thì không miệt mài với điện thoại, nhất là đằng sau trẻ lại chuẩn bị bị khói thuốc tấn công".

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe, vì có thể khoảnh khắc ấy không thực sự vô tâm như ta nghĩ. Nick Nguyễn Ngọc Hiến cho rằng: "Chắc đang google tham khảo điều trị cho con nhanh khỏi ốm", còn nick Duy Vũ thì hóm hỉnh viết: "Giờ đi ra ngoài sợ lắm. Cứ cầm điện thoại là lo ngay ngáy có người chụp mình rồi up lên đây kèm mấy cap kiểu "hẹn hò công nghệ, chăm con thời công nghệ, blah blah..."
 



Bức ảnh gây tranh luận trái chiều từ người xem.


Sơn Vũ, tay máy đã chụp bức ảnh này chia sẻ, anh chụp bức ảnh vào đầu tuần, ở một quán cafe gần bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo quan sát của anh, bố mẹ bé cứ chăm chăm vào cái điện thoại, trong khi bé nhỏ đang sốt, môi đỏ ửng lên. Không chỉ có vậy, trong quán có nhiều người hút thuốc lá, không khí rất ngột ngạt, khó chịu. Sau một hồi quan sát gia đình nọ, anh đã ghi lại khoảnh khắc này.

Sơn không phán xét, cũng không biết bố mẹ bé đang làm gì với smartphone, liệu có đang tìm hiểu các thông tin về cách giảm sốt, cách chữa bệnh cho con hay không, nhưng anh cho rằng, khi em bé đang ốm thì bố mẹ nên để bé chơi ở công viên bệnh viện, vừa thoáng rộng, nhiều cây xanh vừa tránh được khói thuốc lá, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Đã bắt đầu chụp ảnh được 4 năm nay và tập trung chụp ảnh đời thường một cách chuyên nghiệp hơn 1 năm, Sơn cho hay, anh từng gặp nhiều khoảnh khắc tương tự, và đôi lúc đã ước rằng mình đừng nhìn thấy chúng. "Theo tôi, cuộc sống công nghệ có hai mặt. Ngày xưa muốn gửi thư thì phải chờ cả tuần, thậm chí cả tháng mới tới, bây giờ chỉ cần một cái click chuột là được liền. Hồi xưa gọi điện thoại - người ta hay gọi là đánh dây thép - thì phải chạy ra chỗ trạm điện thoại ở quận, gọi rồi hẹn mấy giờ sẽ gọi và sẽ nghe ở chỗ nào đó. Nhưng bây giờ thì chỉ cần cài một số ứng dụng là có thể nói chuyện mặt đối mặt với nhau được rồi. Đó là mặt tích cực.
 



Bức ảnh với cùng chủ đề của tay máy Đặng Thị Thu Thảo.


Còn mặt trái, đó là khi người ta quá đủ chức năng trên một món đồ công nghệ thì sẽ phụ thuộc vào nó, và khi không có nó, người ta sẽ không chịu được.Quan niệm về bên gia đình để gặp mặt và nói chuyện dường như không còn. Việc dành thời gian cho nhau trong đời sống vợ chồng cũng như gia đình cũng phần nào giảm đi. Nhiều người thậm chí còn dạy và dỗ con của họ bằng ipad, smartphone hòng mong nó im tiếng khóc hay nài nỉ, càu nhàu. Nhưng có những hậu quả của việc lạm dụng công nghệ mang đến, mà người ảnh hưởng đầu tiên, không ai khác chính là những em nhỏ.

Công nghệ không xấu, nhưng lạm dụng nó quá mức thực sự là một vấn nạn".
 



Bức ảnh của tay máy Cấn Hưng cũng khiến chúng ta nhìn thấy mình trong đó.


Xem xong những bức ảnh này, bạn có sẵn sàng ngẩng đầu lên, ít nhất là khi đang ở bên con không?

Theo Phong Linh (Trí thức trẻ)

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...