THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:59

Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên: Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng

29/10/2020 | 10:46
Những ưu điểm của Mô hình
 
Theo bà Phùng Thị Thơm - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên còn một số địa phương miền núi, kinh tế kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo cao (nguồn kinh tế chính chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và làm thuê bên ngoài). Nhiều em có HCĐBKK sinh sống trong các gia đình nghèo hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đa phần trẻ mồ côi (cha hoặc mẹ), người còn lại không có khả năng nuôi dưỡng chăm sóc trẻ (bị khuyết tật, mắc bệnh xã hội giai đoạn cuối…), thậm chí nhiều trường hợp trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Do vậy, rất cần  triển khai Mô hình ở những địa bàn này.
 
Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng một số đối tượng là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em là con của phạm nhân…,  nhưng đối tượng này ở ngoài cộng đồng vẫn khá nhiều. Đối với trẻ em có HCĐBKK đang sống tại cộng đồng, Trung tâm đã tích cực can thiệp trợ giúp, đặc biệt là ưu tiên nhóm trẻ có nguy cơ cao, qua việc triển khai thí điểm “Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK”, trên 7 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn, Minh Lập (của huyện Đồng Hỷ); Kim Sơn, Kim Phượng, Định Biên (của huyện Định Hóa).
 
Thực hiện Mô hình sẽ đạt được nhiều mặt tích cực, đó là thay vì đưa trẻ vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, thì Trung tâm sẽ tìm cho các em những gia đình, những cá nhân nhận nuôi các em. Hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình, họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ ruột thịt nhưng có tình yêu thương trẻ em mang lại nhiều tác dụng tích cực, hiệu quả. Đây là hình thức tốt nhất, bảo đảm nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”. Khi sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần vì chỉ khi được chăm sóc tại một gia đình, các em mới được an toàn, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, cũng như đáp ứng về nhu cầu dinh dưỡng, được khuyến khích, để các em ổn định tâm lý, sức khỏe, học tập… và góp phần giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của các em.
 
 Thực hiện mô hình còn huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có HCĐBKK, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có HCĐBKK với trẻ em bình thường tại nơi cư trú, giúp các em ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của mình. Từ đó, các em sẽ hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích để xây dựng quê hương, đất nước.  
 
Bên cạnh đó, Mô hình còn góp phần tăng cường năng lực giải phóng tiềm năng ở mỗi trẻ, cá nhân và gia đình, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề xã hội của họ; phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác hỗ trợ trẻ em, san sẻ trách nhiệm xã hội giữa toàn thể cộng đồng. Mô hình được đặt ngay trong chính cộng đồng, giảm thiểu sự ngăn cách hay tách biệt trẻ với thế giới bên ngoài, đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp của cộng đồng trong việc trợ giúp các em.


Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên trao học bổng hỗ trợ cho cháu Trần Quang Quyền. Ảnh: HCB

 Trẻ em có HCĐBKK cần được trợ giúp kịp thời và ổn định

 
Cũng theo bà Thơm, sau 2 năm triển khai Mô hình tại 2 huyện trên, từ tháng 12/2016-2/2017, đã có 20 trẻ em có HCĐBKK và 20 gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ tham gia vào Mô hình. Một trong những trẻ em có HCĐBKK được Trung tâm trợ giúp, đó là trường hợp em Trần Quang Quyền (SN 2006) hiện đang học lớp 8 trường THCS Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Quyền là một cậu bé có đôi mắt đượm buồn, em dẫn chúng tôi xuống căn nhà nhỏ tuềnh toàng, đồ đạc không có gì đáng giá ở xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng. Đây là nơi Quyền và 2 em Trần Viết Tuấn, Trần Viết Tú (SN 2005) là con cậu ruột, đang ở cùng bà ngoại Nguyễn Thị Thu (SN 1943). 
 
Tiếp chúng tôi, bà Thu nghẹn ngào cho biết, cháu Quyền mồ côi cả cha và mẹ; cháu Tuấn và Tú mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, không quan tâm tới hai cháu. Gia đình con gái bà thuộc diện nghèo nhất xã, vì hai vợ chồng quanh năm đau yếu, cùng mắc bệnh nan y mà không có tiền chữa trị. Không may, năm 2007, bố Quyền  qua đời do căn bệnh hiểm nghèo. Còn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất cha, năm 2009, mẹ cháu cũng đột ngột qua đời bỏ lại cháu bơ vơ trong cảnh nghèo đói. Bố mẹ qua đời, cháu chỉ còn bà ngoại là người thân duy nhất bên cạnh nên bà đưa Quyền về nuôi dưỡng. Bà đã gần 80 tuổi, cái tuổi mà cần được sự phụng dưỡng, chăm sóc của con cháu như những người cao tuổi khác. Nhưng bà một mình phải chăm sóc, nuôi dưỡng 3 cháu nhỏ: một cháu ngoại, hai cháu nội. Song gia đình bà cũng thuộc hộ nghèo, bà Thu không được khỏe và đã già yếu nhưng quanh năm vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lần hồi nuôi 3 bà cháu. Cuộc sống của 3 bà cháu thiếu thốn trăm bề, nhưng điều thiệt thòi hơn cả chính là thiếu tình cảm mẹ cha và bà chỉ biết bù đắp cho các cháu bằng tình thương yêu của mình. 
 
Đúng lúc khó khăn chồng chất nhất và nguy cơ Quyền phải bỏ học, thì từ tháng 7 - 12/2015, gia đình bà Nguyễn Thị Thu đã được Trung tâm chọn là một trong 3 gia đình ở xã Văn Lăng, Đồng Hỷ được triển khai Mô hình thí điểm “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng”. Nhớ lại giai đoạn ấy, bà Thu kể, khi tham gia Mô hình bà và cháu Quyền đã được hỗ trợ kinh phí 6.300.000đ (đây là một số tiền vô cùng quý giá đối với 3 bà cháu). Suốt thời gian tham gia Dự án, gia đình bà Thu và cháu Quyền được các nhân viên của Trung tâm thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ quần áo, sách vở học tập, đồ dùng cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày... Đồng thời, các em cũng được kết nối dịch vụ, đảm bảo được đến trường và hưởng các chế độ chính sách đầy đủ. Ngoài việc được hỗ trợ kinh phí, gia đình bà còn được các anh chị nhân viên CTXH tư vấn trực tiếp, và được mời tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề (mỗi tháng 3 buổi), nâng cao kiến thức và trang bị các kỹ năng sống cho trẻ em có HCĐBKK; kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ…, giúp bà và cháu tự giải quyết các vấn đề đang gặp phải... Nhờ vậy, cuộc sống của bà cháu dần ổn định và vơi bớt khó khăn. 
 
Bà Thu tâm sự: Động lực để bà tiếp tục chăm nom cho các cháu của mình chính là sự hỗ trợ, chia sẻ đầy thiết thực từ phía cộng đồng, nhất là các cán bộ của Trung tâm. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cuộc sống của bà và cháu vẫn còn chưa hết gian nan. Bởi việc chăm nom những đứa trẻ, đều do một tay bà nay đã ở tuổi “gần đất xa trời” sức khỏe yếu. Điều bà sợ nhất là sau này mình mất đi các cháu sẽ khổ hơn… 
 
Điều bà Thu lo lắng cũng là điều mà các lãnh đạo và nhân viên CTXH của Trung tâm trăn trở. Tuy hiệu quả của Mô hình đã thấy rõ, nhưng hiện nay Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì Mô hình, vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chỉ giới hạn trong từng năm nên chưa thể mà đảm bảo môi trường sống an toàn, ổn định  đáp ứng được nhu cầu của trẻ (nhất là những trường hợp như gia đình bà Thu) trong thời gian dài. Hiện Trung tâm đã phối hợp với Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ Mồ côi tỉnh Thái Nguyên và vận động xã hội để tiếp tục trợ giúp gia đình bà Thu và cháu Quyền. Trung tâm rất mong các mạnh thường quân và các công ty, đơn vị… (ở trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà Thu và những đối tượng trẻ em có HCĐBKK ở Thái Nguyên cả vật chất và tinh thần…, để tạo điều kiện cho trẻ em có HCĐBKK của tỉnh Thái Nguyên có cuộc sống tốt đẹp hơn.
 

Tuấn Nam/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.