THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 04:31

Trung tâm CTXH Quảng Ninh ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí

13/12/2020 | 10:43
Tầm quan trọng của âm nhạc trị liệu đối với trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí
 
Âm nhạc trị liệu là việc nhà trị liệu sử dụng âm nhạc dưới nhiều tổ chức hình thức, phương tiện, công cụ khác nhau nhằm tác động phù hợp vào trẻ một cách có mục đích giúp cải thiện hạn chế mà trẻ mắc phải. Viêc trị liệu âm nhạc không có những phản ứng phụ độc hại như những loại thuốc tâm thần, không uổng phí thời gian trong giai đoạn tuổi vàng và tương đối ít tốn kém so với những phương pháp trị liệu khác. Âm nhạc có tính tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho những cá nhân trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, bất kỳ tuổi tác, thể loại nhạc hay nhạc cụ nào được áp dụng trong quá trình trị liệu.
 
Âm nhạc trong trị liệu giúp trẻ phát triển nhận thức, phát triển khả năng vận động, phát triển ngôn ngữ hiểu, phát triển ngôn ngữ nói, phát triển sự điều khiển của não bộ, phát triển năng khiếu, phối kết hợp tay - mắt, tăng khả năng bắt chước, tăng cường sự tập trung chú ý, giảm hành vi (tăng động, nói nhại lời, nói nhảm), đáp ứng sở thích của trẻ, tạo cho trẻ sự thoải mái khi can thiệp âm nhạc hoặc bắt đầu một giờ can thiệp bằng phương pháp khác. Âm nhạc giúp phát triển kỹ năng ở trẻ như kỹ năng tập trung, kỹ năng bắt chước, kỹ năng luân phiên, kỹ năng ngôn ngữ hiểu, kỹ năng xã hội.



Các thành viên Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh được hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ âm nhạc trong trị liệu trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí.

 
Trẻ rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ, giao tiếp xã hội, đặc biệt là vấn đề hành vi, ngôn ngữ làm ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Trong khi đó, âm nhạc lại là một hình thức giao tiếp và trò chơi phi ngôn ngữ nói hoặc có ngôn ngữ nói, âm nhạc giúp trẻ tối ưu hóa các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, kỹ năng xã hội… Việc xây dựng và tổ chức hoạt động âm nhạc bài bản, phù hợp sẽ phát huy được tính hiệu quả trong can thiệp và giáo dục trẻ rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ.
 
Khác với sự giảng dạy hay huấn luyện về âm nhạc, trị liệu âm nhạc không đòi hỏi đối tượng phải đàn hay, hát giỏi, phải thành thạo ngôn ngữ và có khả năng giao tiếp xã hội. Những chuyên gia trị liệu cho rằng, con người vốn yêu thích âm nhạc ngay từ thuở chào đời, bất luận họ khác biệt ra sao về màu da, sắc tộc, giới tính, mức độ khuyết tật về cảm xúc, thể xác, hay trí tuệ. Nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có sự cuốn hút bẩm sinh bởi âm nhạc và nhạc cụ. Vì vậy, trị liệu trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí bằng âm nhạc trong thời gian gần đây đã được áp dụng rộng rãi và được xem là một trong những phương pháp can thiệp hữu hiệu về mặt trau dồi ngôn ngữ, giúp các em tự tin, hòa nhập và thích nghi tốt hơn trong những môi trường sinh hoạt không ngừng thay đổi ở gia đình, trường học và cộng đồng.
 
Ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí
 
Vừa qua, tại thành phố Hạ Long, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh với nội dung: Ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí.
 
Tham gia buổi tập huấn là các hội viên Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh, các bậc phụ huynh có trẻ đang gặp phải vấn đề về rối nhiễu tâm trí, tự kỷ và một số giáo viên tại các cơ sở trị liệu thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí… 
 
Tại đây, các học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về âm nhạc như cao độ, trường độ, nhịp, tiết tấu và âm lượng; từ đó hiểu thêm về chức năng âm nhạc trong trị liệu. Âm nhạc giúp trẻ phát triển nhận thức, phát triển khả năng vận động, phát triển ngôn ngữ hiểu, phát triển ngôn ngữ nói, phát triển sự điều khiển của não bộ, phát triển năng khiếu, phối kết hợp tay - mắt, tăng khả năng bắt chước, tăng cường sự tập trung chú ý, giảm hành vi (tăng động, nhại lời, nói nhảm), đáp ứng sở thích của trẻ, tạo cho trẻ sự thoải mái khi can thiệp âm nhạc hoặc bắt đầu một giờ can thiệp bằng phương pháp khác. 
 
Bên cạnh đó, các giảng viên cũng cung cấp các kỹ năng làm việc với trẻ trong trị liệu âm nhạc như: Quy trình tổ chức một hoạt động âm nhạc cần có: Sàng lọc, đánh giá, lập kế hoạch can thiệp, đánh giá kết quả, điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu, cách thức; Các hình thức tổ chức hoạt động âm nhạc trị liệu: Tổ chức hoạt động âm nhạc cá nhân (dạy 1-1), tổ chức hoạt động âm nhạc theo nhóm (2 trẻ trở lên); Một số cách nhận biết trẻ có sự thích thú với âm nhạc theo từng cấp độ.
 
Có thể thấy, ứng dụng âm nhạc trị liệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí là một phương pháp khá mới lạ đối với các bậc phụ huynh và các học viên. Bên cạnh việc được tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức mới, các bậc phụ huynh, các học viên còn được chia sẻ những vấn đề mà con mình đang gặp phải, những khó khăn trong quá trình can thiệp trị liệu cho con, những kinh nghiệm của bản thân đối với mỗi vấn đề của con trong quá trình trị liệu tại gia đình. Mỗi ý kiến của các bậc phụ huynh đưa ra đều được các thành viên trong lớp tập huấn đánh giá cao và được ghi nhận như một kỹ năng trị liệu. 
 
Một số phụ huynh thay mặt cho các thành viên của Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh chia sẻ mong muốn trong thời gian tới Trung tâm CTXH sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia về tâm lý trị liệu tổ chức nhiều hơn nữa các khóa tập huấn bổ ích để các thành viên trong Câu lạc bộ được nâng cao năng lực bản thân, rèn luyện kỹ năng, phương pháp giáo dục trẻ.
 

Bài và ảnh: Hương Thảo (TTCTXH Quảng Ninh)/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...