THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 02:26

Trường chuyên, lớp chọn có thực sự tốt cho trẻ em?

26/08/2020 | 09:32

Cuộc đua vào lớp chọn từ lớp 1
 
5 tuổi, bé Bon được mẹ gửi đến nhà cô giáo gần nhà để luyện viết và làm toán. Mặc cho báo đài nói ra rả, phụ huynh không cần phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1, đến lớp, các con sẽ được thầy cô dạy đầy đủ, người ta vẫn cứ đua nhau “cầm đèn chạy trước ô tô”. Không chỉ lo chuyện cái chữ, trước khi trường tiểu học có thông báo tuyển sinh chính thức, nhiều phụ huynh đã chạy ngược chạy xuôi nhờ người thân, nhờ các mối quan hệ, chuẩn bị phong bì, quà cáp để quyết “giành” lấy một suất cho con vào lớp chọn. Vì ở bậc tiểu học, theo quy định không có lớp chọn, nên cuộc chạy đua ngầm vào các “lớp chọn” lại càng gay cấn. Để xin được cho con vào lớp chọn, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng “hy sinh” một, thậm chí vài ba tháng lương. Họ nghĩ đó là điều tốt nhất có thể làm cho con – nhưng điều họ nghĩ không hẳn đã đúng.
 
Lớp chọn khác gì lớp thường? Nghe nói khác rất nhiều. Giáo viên dạy lớp chọn là giáo viên giỏi nhất khối đó. Họ rèn học sinh rất kỹ lưỡng và nghiêm khắc. Bất chấp quy định của ngành giáo dục không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học 2 buổi/ngày, giáo viên lớp chọn, ngay từ lớp 1 đã luyện cho học sinh thói quen phải làm rất nhiều bài tập về nhà. Và đôi khi, các con phải làm cả những bài tập nâng cao không có trong sách giáo khoa học trên lớp. Việc làm bài tập về nhà hàng ngày giúp cho trẻ củng cố thêm kiến thức đã học trên lớp, hình thành nề nếp tự giác học bài ở nhà; tuy nhiên, mặt khác nó cũng “lấn” quỹ thời gian vui chơi và nghỉ ngơi của trẻ nhỏ, điều này đi ngược lại mong muốn của số đông phụ huynh muốn trẻ em bậc tiểu học được vừa học vừa chơi một cách thoải mái nhất.
 
Và mặc dù đã có quy định không tổ chức thi học sinh giỏi bất cứ môn học nào đối với học sinh bậc tiểu học, nhưng thi viết chữ đẹp và thi trạng nguyên tiếng Việt vẫn diễn ra, là những kỳ thi tốn không ít thời gian và công sức của cả giáo viên lẫn học sinh lớp chọn.


 Áp lực học tập đè nặng trên vai trẻ ngay từ bậc tiểu học. Ảnh minh họa: Thanh Huyền
 
Chị Nguyễn T. H – một phụ huynh có con nhỏ đã hoàn thành chương trình lớp 1 cho biết, chị phải xin cô giáo cho con ra khỏi đội tuyển thi viết chữ đẹp, bởi việc luyện viết chữ đẹp chiếm quá nhiều thời gian của con. Sau khi đoạt giải cao tại kỳ thi viết chữ đẹp ở trường, con được vào tiếp đội tuyển thi viết chữ đẹp cấp quận, cô chủ nhiệm yêu cầu các bạn trong đội tuyển, sau giờ học ở lại lớp thêm 45 phút để luyện viết. Việc học bán trú ngày hai buổi đã đủ để những đứa trẻ mới 6 tuổi mệt mỏi, phải ở lại trường luyện viết chữ thêm thật quá vất vả. Là cha mẹ, ai chẳng mong con viết chữ sạch, đẹp, nhưng luyện viết đến độ mỏi mệt thì chị H thấy không cần thiết. Chị muốn sau giờ học, con được chơi đùa cùng bạn bè hoặc chơi một bộ môn thể thao nào đó, như bơi lội hay aerobic, hoặc chỉ đơn giản là đạp xe quanh xóm.
 
Được và mất khi trẻ học trường chuyên, lớp chọn quá sớm
 
Như đã nói ở trên, việc trẻ tham gia trường chuyên, lớp chọn sớm sẽ hình thành thói quen tự giác học tập ngay từ khi còn nhỏ. Với những trẻ học giỏi thực sự, việc học trường chuyên, lớp chọn sớm có thể kích thích trẻ học tập chăm chỉ và tích cực hơn, trẻ đạt kết quả học tập tốt hơn. Tuy nhiên, với những trẻ được cha mẹ xin cho vào lớp chọn, lực học không quá xuất sắc, việc phải học với các bạn giỏi hơn mình sẽ khiến trẻ luôn cảm thấp áp lực, thậm chí là đuối sức, dần dần trẻ hình thành tâm lý tự ti, chán nản.
 
Anh Nguyễn T. D – một phụ huynh vừa có con thi vào trường THCS “chuyên” (chữ chuyên ở đây sở dĩ để trong ngoặc kép vì tên trường chẳng hề có chữ chuyên, nhưng giáo viên và phụ huynh tự ngầm định với nhau đây là trường chuyên, trường chất lượng cao) cho biết, sau khi xét học bạ đạt yêu cầu, các con sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Anh lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số học sinh lớp 6 cần tuyển. Điểm cao thì vào A1, tiếp theo là A2, A3. Đến năm lớp 7 nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả học tập và sắp xếp lại các lớp chọn theo từng bộ môn sao cho phù hợp. Điều đáng buồn là con anh D không thi đỗ trường chuyên. Mặc dù, ngay từ đầu, vợ chồng anh và con đều xác định đi thi để thử sức cho biết, chứ không đặt nặng vấn đề đỗ hay trượt, nhưng con bé nhà anh vẫn buồn ra mặt khi nhận kết quả thi. Càng buồn hơn khi một số bạn trong lớp chế giễu vì con thi trượt. Tự dưng, con gái anh rơi vào trạng thái buồn chán và xấu hổ, cả gia đình đã mất không ít thời gian và công sức để giải tỏa tâm lý và động viên con suy nghĩ tích cực.


Trẻ em lớp 1 đến trường là để vừa học vừa chơi. Ảnh minh họa: Thanh Huyền
 
Học trường chuyên, lớp chọn từ bé có thể khiến cho trẻ có thành tích học tập tốt hơn so với các học sinh lớp thường, tuy nhiên, việc trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc học có thể khiến chúng mất đi không ít thời gian mà đáng ra chúng được vui chơi cùng chúng bạn. Một số trẻ tuy học trường chuyên, lớp chọn từ nhỏ nhưng được cha mẹ quan tâm, chú ý điều hòa cân đối vẫn có thể có khoảng thời gian để vui chơi và giải trí; nhưng một số em bị cha mẹ ép học quá đà dẫn đến gần như không có thời gian để vui đùa cùng các bạn cũng như tham gia vào các hoạt động thể chất. Trong khi đó, ở độ tuổi đang phát triển, trẻ em cần ít nhất mỗi ngày từ 30-60 phút để tập luyện thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và cải thiện vóc dáng.
 
Lúc nào cũng học và học có thể khiến trẻ căng thẳng, stress, tâm tính khó gần; thậm chí áp lực học tập, thi cử quá lớn có thể khiến trẻ rối loạn tâm lý, mắc bệnh trầm cảm.
 
Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đi học, nhưng các con cũng có quyền được vui chơi và giải trí lành mạnh. Nếu bạn muốn trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần, có những năm tháng ấu thơ hạnh phúc, êm đềm thì đừng ép trẻ phải học trường chuyên, lớp chọn quá sớm.
 
Nếu tất cả phụ huynh cùng ngưng cuộc “chạy đua ngầm” vào trường chuyên, lớp chọn từ sớm, con cái chúng ta sẽ có một tuổi thơ tươi đẹp và bình đẳng với nhiều điều thú vị không chỉ đến từ trường học. Phổ cập giáo dục tiểu học nhằm giáo dục trẻ toàn diện về các mặt: đạo đức, trí tuệ, thể chất cùng các kỹ năng cơ bản phù hợp lứa tuổi chứ không phải rèn cho trẻ áp lực thi cử, học hành từ lúc còn quá nhỏ. Theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối PTTH (học sinh cấp III) mới học chuyên, bạn vội gì chứ? 
 

Bình Yên/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...