THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 03:31

Truyền thông về trẻ em: Cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu

20/06/2022 | 16:15
Truyền thông về trẻ em đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội cũng như cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Truyền thông về trẻ em luôn là một lĩnh vực khó đối với người làm báo, đòi hỏi nhà báo cần có lương tâm và trách nhiệm với nguồn tin. “Viết về trẻ em - cần thận trọng như viết cho chính con, em mình!”
Các nhà báo trong một hội thảo truyền thông về trẻ em do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Plan International Việt Nam tổ chức. Ảnh: Mai Hoa

Các nhà báo trong một hội thảo truyền thông về trẻ em do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Plan International Việt Nam tổ chức. Ảnh: Mai Hoa

“Phóng viên không thể tiếp cận được trẻ em yếu thế nếu cha mẹ cực đoan và không cởi mở”

Là phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, sau chuyển sang Tạp chí Ngày nay (cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam), chị Lê Bích Ngọc cho biết, chị viết rất nhiều về trẻ em.

Người ta thường nói, “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ em lúc nào cũng hồn nhiên, để phỏng vấn trẻ em, chị thường chọn các bạn bạo dạn, không nhút nhát là sẽ có câu chuyện thú vị. Nhưng đặc thù của Ngày nay chuyên viết về trẻ yếu thế, từ khiếm thính, khiếm thị đến tự kỷ, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo... nên viết về những trẻ này không dễ. Phải làm sao để có thể khai thác được mọi vấn đề về trẻ, từ hoàn cảnh, gia đình, đến rào cản hòa nhập...

Chị Ngọc nhớ mãi lần đầu tiên khi mình viết về trẻ tự kỷ. Chị vào một hội nhóm của những cha mẹ có con tự kỷ và giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Thấy các mẹ chia sẻ về con, đăng ảnh con biết làm gì, tiến bộ ra sao..., chị nghĩ các mẹ sẽ dễ dàng kể câu chuyện của mình với báo chí. Chị trình bày trong nhóm là rất muốn gặp 1-2 mẹ để viết một bài báo về trẻ tự kỷ. Ngay lập tức, chị nhận về hàng trăm bình luận khiếm nhã. Nhiều mẹ viết “người ta chưa đủ khổ hay sao mà còn muốn lôi lên báo”... Có mẹ nhắn tin riêng cho chị bảo tìm đề tài khác mà viết, lôi con chúng tôi lên báo làm gì?... Chị Ngọc thực sự sốc vì ý tốt của mình là mong muốn nhiều người biết hơn về trẻ tự kỷ để đồng cảm và giúp đỡ các con, đã không được các bậc phụ huynh đón nhận. Chị nhận ra rằng, phóng viên sẽ không thể tiếp cận được trẻ em yếu thế nếu cha mẹ cực đoan và không cởi mở.

May mắn, có một cô giáo chủ động trao đổi với chị Ngọc về chuyện giáo viên dạy trẻ tự kỷ vất vả như thế nào. Từ bài báo đầu tiên đó, chị Ngọc dẫn link vào nhóm, đọc bài viết xúc động và chân thật về trẻ tự kỷ, các ông bố, bà mẹ đã hiểu hơn mục đích của phóng viên và bắt đầu mở lòng. Sau quá trình tiếp cận và thuyết phục các bậc phụ huynh chia sẻ câu chuyện của mình kéo dài hàng năm trời, chị Ngọc đã có một loạt bài viết rất hay và xúc động về trẻ tự kỷ.

Khi truyền thông về trẻ em, báo chí cũng như các cơ quan chức năng cần tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Truyền thông về trẻ em cần toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

 

“Người viết phải thật sự lắng nghe, chia sẻ cảm xúc với các em”

Nhà báo Mai Hoa – Báo Hà Nội mới cho biết, truyền thông về trẻ em luôn là một lĩnh vực khó đối với người làm báo. Khó khăn nhất là khiến các em vượt qua cảm giác rụt rè, e ngại ban đầu. Người viết phải thật sự lắng nghe, chia sẻ cảm xúc với các em. Khi phỏng vấn trẻ em, theo chị Hoa, nên có sự góp mặt của người mà các em tin cậy như: cha mẹ, thầy, cô giáo, để các em yên tâm và tự tin hơn trong chia sẻ. Các phóng viên nên lựa chọn những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, gần gũi, để các em vui vẻ và thoải mái khi trò chuyện.

Từng phỏng vấn nhiều trẻ em, nhà báo Mai Hoa bị thu hút bởi sự chân thực, trong sáng, tự tin, hồn nhiên và đáng yêu của các em. Ấn tượng nhất đối với chị là một lần viết về gương bé gái học lớp 4 ở một trường tiểu học thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Bé là lớp trưởng, nhiều thành tích, đã kịp thời giúp bạn đúng lúc khi bạn bị đau bệnh, tự tin xử trí, cõng bạn vào Phòng Y tế, kịp thời kêu gọi người lớn can thiệp. Bé rất đáng yêu, trả lời tự tin và giản dị.

Tiếp cận trẻ tự kỷ phải vô cùng khéo léo và có kiến thức về chứng tự kỷ.

Tiếp cận trẻ tự kỷ phải vô cùng khéo léo và có kiến thức về chứng tự kỷ.

“Viết về trẻ em – hãy thận trọng như viết cho chính con, em mình!”

Chia sẻ tại một hội thảo chủ đề truyền thông về trẻ em mới đây, nhà báo Nguyễn Ngân, hiện đang công tác tại Ban Thời sự, Ðài Truyền hình Việt Nam cho biết, kỹ năng làm báo cho trẻ em có sự khác biệt cơ bản với kỹ năng làm báo cho các đối tượng khác. Theo chị Nguyễn Ngân, các cơ quan báo chí cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, xác định đề tài, chủ đề và khác biệt khi tiếp cận trẻ em để khai thác thông tin. Giao tiếp, phỏng vấn và thu thập thông tin từ trẻ em đòi hỏi phải có sự hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, kiên nhẫn dành thời gian và có phương pháp khai thác thông tin phù hợp.

Ðể trẻ tin tưởng, phóng viên nên giới thiệu sơ lược về mình, đồng thời giải thích công việc mình làm, vì trẻ em có thể không hiểu tại sao các em phải tiếp chuyện bạn. Nếu ghi hình/ ghi âm cần nói rõ với trẻ và giải thích tại sao, chẳng hạn “trong phòng có máy quay, máy ghi âm sẽ ghi lại mọi lời chúng ta nói với nhau. Ðôi lúc cô/ chú… quên, thiết bị này sẽ giúp cô/ chú nhớ được lời của cháu”. Hãy để trẻ nhìn quanh phòng và quan sát thiết bị ghi hình nếu trẻ muốn.

Ðể trẻ em cảm thấy thoải mái khi trả lời phỏng vấn, các phóng viên nên tránh hỏi tại sao em lại cư xử như thế (ví dụ như “Tại sao không kể ngay với bố mẹ?”) vì sẽ gây khó khăn cho các em và khiến trẻ cảm giác có lỗi.

Cũng theo nhà báo Nguyễn Ngân, các tác phẩm báo chí về trẻ em, cho trẻ em... cần sử dụng ngôn từ và hình thức thích hợp với tâm lý lứa tuổi, nhận thức và thể hiện sự tôn trọng trẻ em. Một tác phẩm báo chí có thể ngăn một tội ác, nhưng một dòng thông tin, một tấm ảnh trên báo chí có thể phá đi cuộc sống bình yên của các em. Nhà báo cần có lương tâm và trách nhiệm với nguồn tin. “Viết về trẻ em – hãy thận trọng như viết cho chính con, em mình!” - chị Ngân nhấn mạnh.

Thanh Huyền
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
“Chàng thơ” Ethan Hawke tái xuất với vai phản diện đầu tiên sau gần 4 thập kỷ diễn xuất

“Chàng thơ” Ethan Hawke tái xuất với vai phản diện đầu tiên sau gần 4 thập kỷ diễn xuất

1 năm trước

Có xuất phát điểm vào giữa thập niên 1980 - thời điểm sản sinh ra nhiều tài tử điển trai đình đám, Ethan Hawke lại là cái tên hiếm khẳng định rõ ràng khả năng diễn xuất vượt trội...
Ngày hội 'Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm' tỉnh Khánh Hòa

Ngày hội "Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm" tỉnh Khánh Hòa

1 năm trước

Hơn 2.000 học sinh, thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa được tặng quà và tham gia các trò chơi sôi động, thưởng thức các tiết mục văn nghệ, thi nhảy flashmob...
Một số bệnh thường gặp khi đi bơi

Một số bệnh thường gặp khi đi bơi

1 năm trước

Bơi lội là sở thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ em trong mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu biết thì có thể bị một số bệnh về mắt, da liễu, hô hấp... khi đi...