THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 10:08

Truyền thuyết về danh nhân Yết Kiêu

11/12/2021 | 06:41
Trong các danh nhân là anh hùng chống giặc ngoại xâm, Yết Kiêu là một danh tướng gây ấn tượng mạnh vì ông có biệt tài bơi lặn. Biệt tài này của ông gắn với truyền thuyết trâu thần.
Đền Quát nhìn từ trên cao. Ảnh TTXVN

Đền Quát nhìn từ trên cao. Ảnh TTXVN

Truyền thuyết mộc mạc về biệt tài bơi lặn của Yết Kiêu

Yết Kiêu là anh hùng chống giặc ngoại xâm vào đời nhà Trần. Ông là một trong năm dũng tướng dưới trướng của Trần Hưng Ðạo đại vương. Ông là người có công lớn trong việc giúp nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Yết Kiêu có biệt tài bơi lặn nên ông là nhân tố quan trọng trong những trận thủy chiến.

Yết Kiêu có thể ở dưới nước hàng tiếng đồng hồ, bơi lặn xa hàng chục dặm. Chuyện kể rằng, Yết Kiêu sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi mẹ từ sớm. Hằng ngày, ông đi mò cua bắt ốc, bắt cá đem bán lấy tiền đong gạo và chăm sóc người cha bệnh tật. Vì lao động từ sớm nên ông có sức khỏe tốt; vì thường mưu sinh một mình nên ông có bản lĩnh và có lòng dũng cảm. Một hôm, ông thấy hai con trâu trắng đang húc nhau quyết liệt trên bãi cát ông dùng đòn gánh can ngăn. Cả hai con trâu bỏ chạy và biến xuống nước. Lúc này ông mới nghi ngờ là hai con trâu kia không phải trâu thường mà là trâu thần. Xem lại đầu đòn gánh, ông thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt vào bụng. Từ đó, ông bơi lặn rất giỏi; lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất liền, thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước.

Có thể nói, truyền thuyết này rất đơn giản, mộc mạc. Hầu như truyền thuyết sinh ra chỉ để giải thích một cách có lý về tài bơi lội của Yết Kiêu. Tuy nhiên, đã là truyền thuyết thì khi nào cũng nhuốm màu huyền thoại và được nhân dân kính cẩn tôn thờ.

Khi tham gia chiến đấu chống giặc Nguyên Mông để bảo vệ bờ cõi, ông đã dùng biệt tài bơi lặn của mình đục thủng thuyền của quân giặc khiến thuyền chìm, lính chết. Những trận thủy chiến trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình đã ghi lại những chiến công vang dội của ông.

Quê quán, xuất thân và đền thờ

Khác với những truyền thuyết về những nhân vật được phong thần, phong thánh thường không có năm sinh, năm mất, Yết Kiêu sinh năm 1242 và mất năm 1303. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê tại làng Hạ Bì, tổng Phương Duy, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Quê mẹ của ông ở làng Ðồng Nổi (nay là làng Song Ðộng, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, gia thế thuộc đẳng cấp thấp, nhưng nhờ có tài bơi lặn và lòng dũng cảm nên ông đã lập nên những chiến công hiển hách.

Cuộc đời và chiến công của Yết Kiêu nhuốm màu huyền thoại nên được nhân dân kính trọng, tôn sùng và luôn tưởng nhớ. Nhân dân đã xây miếu, xây đền thờ ông. Hiện nay, vẫn còn nhiều đền thờ Yết Kiêu. Ðó là đền Quát, thuộc tả ngạn sông Ðò Ðáy, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (Khu di tích đền Quát đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1998); Ðền Phủ Võng bên sông Vân ở thành phố Ninh Bình. Tại quê mẹ của ông, làng Lôi Ðộng, xã Tân An, huyện Thanh Hà cũng có thờ ông - Thành hoàng của làng. Ngoài ra, ở Ninh Bình, Yết Kiêu còn được thờ cùng Trần Hưng Ðạo và các vua nhà Trần trong khu di tích hành cung Vũ Lâm.

Ở Hà Nội có một đường phố mang tên Yết Kiêu. Nơi đây có hai địa chỉ nổi tiếng là số nhà 108 của tác giả Quốc ca Văn Cao, và số nhà 42 - Trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội (thường được biết đến với tên gọi Mỹ thuật Yết Kiêu). Người có công với nước khi nào cũng được nhân dân trọng vọng, tôn thờ.

Chuẩn bị dâng hương tưởng nhớ danh tướng Yết Kiêu. Ảnh TTXVN

Chuẩn bị dâng hương tưởng nhớ danh tướng Yết Kiêu. Ảnh TTXVN

Lễ hội đền Quát và cuộc thi bơi chải

Khuôn viên đền Quát hiện nay tọa lạc ở vị trí rất đẹp, phía trước là dòng sông Ðinh Ðào, một khúc của sông Ðò Ðáy. Ðây là gò đất cao, trải bằng phẳng, vốn là bến đò xưa, cũng chính là nơi chôn rau cắt rốn của danh tướng Yết Kiêu. Khúc sông trước mặt đền là nơi mà bao đời nay con cháu họ Phạm - hậu duệ của ông - thả lưới, quăng chài để mưu sinh. Khu di tích đền thờ Yết Kiêu bao gồm đền chính và bãi bơi. Ðền chính đã thay đổi nhiều, còn bãi bơi thì ít thay đổi. Bãi bơi rộng tới 2.000m2 dọc theo bờ sông, tại đây có đôi voi đá, ngựa đá và bệ ngự đặt kiệu Yết Kiêu và phu nhân mỗi khi có lễ hội.

Lễ hội đền Quát tưởng nhớ Yết Kiêu ngày xưa được tổ chức vào mùa xuân (từ 14 đến 16 tháng Giêng). Gần đây, Lễ hội được tổ chức cả vào mùa thu (từ 14 đến 16 tháng Tám Âm lịch) cùng với lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tưởng niệm Trần Hưng Ðạo. Lễ hội tổ chức lễ rước thủy và rước bộ. Phần hội luôn luôn có cuộc thi bơi chải. Người tham gia thi bơi là những thanh niên khỏe mạnh, được tuyển chọn rất kỹ từ những xóm chài. Những hoạt động này thể hiện tinh thần thượng võ cao đẹp của dân tộc. Nó có nét tương đồng với lễ cầu ngư của ngư dân duyên hải Trung bộ. Những hoạt động này hướng đến việc bồi đắp tình yêu biển đảo và rèn luyện những kỹ năng hoạt động trên sông nước.

Danh tướng Yết Kiêu và những chiến công hiển hách trong các trận thủy chiến trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mông Nguyên sống mãi với nhân dân Việt Nam. Truyền thuyết đơn giản, mộc mạc, những ngôi đền, những lễ hội thờ cúng và tưởng nhớ Yết Kiêu góp phần tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ mai sau trong việc bảo vệ biển, đảo của đất nước.

Hoàng My
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Cách lấy lại sữa mẹ đã mất đơn giản và hiệu quả

Cách lấy lại sữa mẹ đã mất đơn giản và hiệu quả

2 năm trước

Tình trạng mất sữa khiến sức khỏe mẹ yếu đi và nguồn dinh dưỡng của trẻ bị ảnh hưởng. Có nhiều lý do khiến mẹ bị mất sữa sau sinh, thế nhưng các mẹ không cần quá lo lắng vì vẫn...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việt Nam đang đàm phán nguồn vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ 5-11 tuổi

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việt Nam đang đàm phán nguồn vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ 5-11 tuổi

2 năm trước

Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đồng thời tiếp tục lắng nghe và tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn về việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11...
Đôi bạn sáng chế cánh tay robot cho người khuyết tật

Đôi bạn sáng chế cánh tay robot cho người khuyết tật

2 năm trước

Chứng kiến những trẻ em khuyết tật và người lao động bị tai nạn khiến cụt hoặc liệt tay gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động, hai em Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An, lớp...