THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 09:21

Từ nạn nhân bị mua bán trở thành tuyên truyền viên

28/07/2018 | 15:32

Anh Lê Quang Son chia sẻ về hành trình vượt khó sau khi bị mua bán trở về. Ảnh: N.Anh
 
Nhớ lại những ngày giữa năm 2008, khi bị đưa đi khai thác vàng trái phép, anh Son không khỏi rùng mình. Dù là người dân đi rừng vốn rất khỏe mạnh, nhưng anh và một số bạn bè cùng quê vẫn không chịu nổi cực nhọc, nguy hiểm mà bỏ trốn về. “Trong thời gian lao động ở đó, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng hành hạ người lao động rất tàn bạo như: đánh người lao động bằng ống sắt đến gãy chân, gãy xương do bỏ trốn, dùng hơi cay để buộc mọi người phải dậy đi làm từ 4 giờ sáng, đau ốm không được uống thuốc và ăn uống đầy đủ... Nhiều bạn khi trở về rất hoảng loạn, không dám đi đâu xa nhà, đời sống gia đình rất khó khăn, phải lo ăn từng bữa, nhà cửa phên tre dột nát...” - anh Son kể.
 
May mắn, năm 2012, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế đã khảo sát và xây dựng được 2 nhóm (1 nhóm nam, 1 nhóm nữ) là nạn nhân bị mua bán trở về tại huyện A Lưới và anh Son đã được nhóm bầu làm nhóm trưởng Nhóm Tự lực nam.
 
Sinh hoạt nhóm tự lực tạo ra môi trường thân thiện, đồng cảm để mỗi thành viên trong nhóm có thể chia sẻ tâm tư tình cảm của mình với những người cùng hoàn cảnh, từ đó góp phần thay đổi cách nhìn nhận giá trị của bản thân để tự tin hòa nhập cộng đồng. Các nhóm duy trì sinh hoạt đều đặn theo kế hoạch (1 lần/tháng), có nội dung sinh hoạt phong phú theo nhiều chủ đề khác nhau với phương pháp cùng tham gia đã giúp cho các buổi sinh hoạt thêm sinh động và bổ ích. 
 
Chủ đề sinh hoạt của nhóm là tăng cường sự hiểu biết về các thành viên trong nhóm; tư vấn về sức khỏe, hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng sống... giúp cho các thành viên trong nhóm trưởng thành hơn thông qua việc cung cấp kiến thức phòng chống mua bán người, kiến thức về cuộc sống, tình yêu, về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản, tình dục, về kỹ năng sống, về sản xuất kinh doanh nhỏ, về quản lý tài chính... 
 
Không những thế, các thành viên của nhóm còn được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thừa Thiên - Huế cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các thành viên nhóm tự lực như: hỗ trợ con giống (dê giống, heo giống), xây dựng chuồng trại. Đồng thời, được các chuyên gia kỹ thuật giới thiệu, hướng dẫn chữa bệnh cho vật nuôi, cây trồng, chăm sóc con giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch.
 

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho mọi người dân về thủ đoạn, tác hại của tệ nạn mua bán người. Ảnh minh họa (Internet) 
 
Sau hơn 1 năm kể từ ngày được hỗ trợ lợn giống và dê giống, các thành viên Nhóm Tự lực huyện A Lưới đã thu kết quả: Từ việc bán lợn thịt (sau khi đã trừ chi phí chăm sóc, mua lại lợn giống), mỗi thành viên lãi 4 đến 6 triệu sau mỗi lần xuất chuồng. Riêng anh Son phát triển đàn lợn lên đến 10 con và một thành viên trong nhóm có đến 7 con dê và 6 con lợn, các thành viên còn lại vẫn duy trì đàn lợn từ 4 đến 6 con, dê từ 2 đến 4 con. Mặc dù lợi nhuận không nhiều nhưng cũng đã góp phần vào việc cải thiện, ổn định cuộc sống của họ.
 
Anh Son cho biết: Từ khi tham gia vào Nhóm Tự lực, các thành viên đã vượt lên chính mình, không còn lo sợ sự kỳ thị của hàng xóm, cộng đồng. Các thành viên nhận thấy bản thân mình vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình và xã hội và cảm thấy mình thật sự thay đổi, tự tin hơn từ khi tham gia vào nhóm. Chúng tôi cũng tự thấy được trách nhiệm của mình khi tham gia vào nhóm tự lực cũng như các hoạt động xã hội tại cộng đồng. Tôi cùng các bạn trong nhóm thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho mọi người dân xung quanh biết được những thủ đoạn cũng như những tác hại, ảnh hưởng xấu của kẻ mua bán người cho mọi người dân xung quanh.
 
Đến nay, dù đã không được tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và các tổ chức khác, nhưng Nhóm Tự lực vẫn định kỳ tổ chức sinh hoạt nhóm, duy trì sự liên lạc với thành viên và cũng tổ chức các đợt nói chuyện cho thanh niên ở bản những câu chuyện về chính bản thân mình để họ hiểu mà phòng ngừa.
 
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Son đề nghị các ban, ngành, các tổ chức tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ cho những nạn nhân bị mua bán có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bền vững; Tiếp tục thành lập thêm các Nhóm Tự lực vì mô hình này có tác động rất tốt đối với những nạn nhân được trở về. Ngoài ra, cần thành lập thêm các điểm tư vấn hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; Tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của các Nhóm Tự lực. 
 
Đánh giá về hoạt động của Nhóm Tự lực, ông Hồ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: Mô hình nhóm tự lực khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt nên được hỗ trợ cả về tâm lý, kiến thức, kỹ năng và tài chính cho từng thành viên. Mô hình có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
 
Có thể thấy, sự thành công của mô hình nhóm tự lực bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
 
 

Đông Viên/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...