THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 02:00

Từ vụ gửi con đi chữa bệnh, nhận về tro cốt: Cẩn trọng khi “gửi con” cho bất kỳ ai

01/10/2022 | 07:21
Từ vụ “gửi con đi chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt” đang gây chấn động dư luận, chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng Tư vấn tâm lý Gia đình và Trẻ em TP.HCM khẳng định, tình yêu thương và sự quan tâm, đồng hành của bố mẹ là điều các em nhỏ chậm phát triển, tự kỷ hoặc khuyết tật về trí tuệ cần nhất!
Trẻ khuyết tật trí tuệ học nghề công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng Kỹ năng sống, hướng nghiệp S.E.E.D.

Trẻ khuyết tật trí tuệ học nghề công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng Kỹ năng sống, hướng nghiệp S.E.E.D.

Những ngày qua, dư luận đau xót trước sự việc gia đình anh N.H.N. ở Huế gửi con trai 3 tuổi N.L.M.Q (nghi bị chậm phát triển hoặc tự kỷ) cho đối tượng Lê Minh Quang ở Lâm Ðồng để điều trị với giá 200 triệu đồng/tháng, rồi 1 tháng sau nhận về hũ tro cốt. Lê Minh Quang - kẻ thiêu xác cháu bé đối diện nhiều tội danh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Ðồng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Minh Quang và Cao Thị Thu Bích về tội "xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt". Vụ việc có nhiều yếu tố phức tạp cần được làm rõ, cơ quan điều tra đang củng cố thêm chứng cứ.

Cần xây dựng lộ trình can thiệp khoa học

Chia sẻ về chuyện đau lòng này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định, nhiều phụ huynh có con chậm phát triển hay tự kỷ luôn mong muốn đây là một chứng bệnh, vì nếu là bệnh có thể chữa khỏi, dù khoa học đã chứng minh đây là một tình trạng rối loạn bẩm sinh về phát triển không thể điều trị bằng y khoa. Mọi hoạt động can thiệp, trị liệu chỉ làm cho tình trạng này giảm bớt, khả năng của trẻ tăng lên đến một mức nào đó thôi. Ngay cả với những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm mà tình trạng rối loạn khá nặng chỉ có thể cải thiện phần nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của giáo viên và sự cộng tác tích cực của gia đình. Song vì chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng, và cũng chưa có được một phương pháp can thiệp hiệu quả, nên từ hàng chục năm nay, vẫn có khoảng trống cho những “lang băm” và cơ sở can thiệp thiếu lương tâm lợi dụng để “moi tiền” của phụ huynh.

Trẻ đặc biệt tập làm đầu bếp.

Trẻ đặc biệt tập làm đầu bếp.

“Chậm phát triển khác với tự kỷ rất nhiều, mặc dù cũng có những trẻ tự kỷ có các yếu tố chậm phát triển và một số trẻ chậm phát triển có vài dấu hiệu của chứng tự kỷ. Nhưng để can thiệp cho trẻ chậm phát triển lại khác với trẻ tự kỷ. Một đằng là giúp con tăng khả năng nhận thức ở trẻ chậm phát triển, còn trẻ tự kỷ cần cải thiện được khả năng giao tiếp. Nói chung về các kỹ năng sống thiết yếu như ăn uống, vệ sinh thì cách can thiệp, hướng dẫn tương tự nhau, tuy nhiên để tạo được sự kết nối với trẻ tự kỷ khó hơn nhiều so với trẻ chậm phát triển” - chuyên gia tâm lý Lê Khanh nói.

Ðồng quan điểm trên, TS Ðào Thu Thủy, Giảng viên Trường Ðại học Thủ Ðô Hà Nội, Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng Kỹ năng sống, hướng nghiệp S.E.E.D (dành cho thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật trí tuệ) cho biết, các trẻ mắc rối loạn phát triển ở mức độ khác nhau và không thể chữa khỏi được bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng như xoa bóp, bấm huyệt, thuốc nam, thuốc bắc hay cúng bái. Gia đình có trẻ mắc rối loạn phát triển cần đưa con đến cơ sở đánh giá có uy tín để được các chuyên gia tư vấn toàn diện các mặt phát triển của con và lộ trình can thiệp một cách khoa học.

Khó khăn của trẻ chính là những rối loạn từ bên trong cần có thời gian để điều chỉnh bằng can thiệp trị liệu tâm lý giáo dục với phương pháp khoa học cần được kiểm chứng. Mỗi trẻ rối loạn không giống nhau và rất khác biệt, cần có sự đánh giá chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác khả năng và nhu cầu, sở thích. Ðây là căn cứ để xây dựng lộ trình can thiệp phù hợp cho trẻ. Bên cạnh đó, những trẻ rối loạn cần có cả quá trình can thiệp, trị liệu bền bỉ, lâu dài, không thể nóng vội và cần sự hợp tác, phối hợp của nhà chuyên môn với gia đình.

"Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp cho con, hạn chế cho con xem tivi, ipad, nên dành thời gian chơi với con nhiều hơn. Nên tăng cường cho con trải nghiệm các hoạt động trong gia đình, ngoài cộng đồng để con có cơ hội được hòa nhập. Bền bỉ, kiên trì, có kế hoạch đồng hành cùng con là thứ trẻ cần ở mỗi gia đình" - TS Ðào Thu Thủy chia sẻ.

Chăm sóc và giáo dục tại gia đình mang tính chất quyết định

Theo TS giáo dục Vũ Thu Hương, có một thực trạng là số lượng trẻ có vấn đề về tâm lý như tự kỉ, tăng động, chậm phát triển không nhiều, nhưng số trẻ bị hiểu nhầm lại quá cao. Các cháu có chút vấn đề do quá trình chăm sóc, giáo dục con chưa đúng, và hầu hết các biểu hiện của trẻ lại khá giống các bạn có vấn đề tâm lý. Khi đó, trẻ thường bị chụp mũ là có vấn đề tâm lý và được cha mẹ chạy chữa theo các phương pháp của trẻ đặc biệt mà không thay đổi cách chăm sóc và giáo dục con. Bắt bệnh chưa đúng, chữa trị không đúng sẽ khiến trẻ không tiến bộ mà còn khiến gia đình và các em mệt mỏi, cạn kiệt về tài chính.

Căn nhà cấp 4 ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) mà đối tượng Lê Minh Quang thuê để điều trị bệnh tự kỷ và chậm phát triển cho cháu N.L.M.Q.

Căn nhà cấp 4 ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) mà đối tượng Lê Minh Quang thuê để điều trị bệnh tự kỷ và chậm phát triển cho cháu N.L.M.Q.

Trên thực tế, có rất nhiều cháu bị chẩn đoán sai. Chính TS Vũ Thu Hương đã từng trợ giúp cho nhiều cháu bị hiểu sai là tự kỉ, tăng động, chậm phát triển. Số lượng trẻ bị hiểu nhầm trở lại bình thường chiếm đến 90%, đặc biệt khi có sự đồng hành nhiệt tình của gia đình. Thời gian để các cháu thay đổi lại vô cùng ngắn, có cháu chỉ vài tuần, có cháu vài tháng, có cháu 1 năm. Những cháu này sau đó phát triển rất tốt và hoàn toàn ổn định. Ðiều quan trọng là phụ huynh và những người trợ giúp có hiểu rõ được vấn đề của trẻ, bắt trúng bệnh và chữa đúng cách hay không.

Với trẻ có vấn đề tâm lý thật thì việc chăm sóc và giáo dục con tại gia đình vẫn mang tính chất quyết định. Vì thế, sự ủy thác hoàn toàn cho các cơ sở chữa trị và giáo dục sẽ không mang lại hiệu quả. Cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần vững vàng, dành cho con thời gian, công sức, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và cả nỗ lực thay đổi bản thân để có thể đồng hành đi đường dài cùng con. Nếu thiếu đi sự đồng hành này, hầu như phương pháp nào cũng không thể gặt hái thành công.

“Để bảo vệ phụ huynh và các trẻ đặc biệt, hầu như chỉ có các điều luật chung về trẻ em, về vi phạm thân thể gây hậu quả nghiêm trọng, mà chưa có luật bảo vệ về tình trạng lạm dụng sự tin tưởng, gây ra những tổn thất đáng kể về thời gian và tiền bạc, công sức của phụ huynh. Chưa một ai bị đưa ra trước pháp luật về hành vi thu phí quá mức, can thiệp không hiệu quả cho các trẻ này.”

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Nhật Minh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
TP.HCM: Đến năm 2025, 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí

TP.HCM: Đến năm 2025, 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí

1 năm trước

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030.
Biểu dương thanh niên khuyết tật vượt qua nghịch cảnh

Biểu dương thanh niên khuyết tật vượt qua nghịch cảnh

1 năm trước

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ 50 tấm gương thanh niên khuyết tật trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2022.
Nâng cao nhận thức về ung thư ở trẻ em

Nâng cao nhận thức về ung thư ở trẻ em

1 năm trước

Ung thư không đồng nghĩa với tử vong. Việc nhận biết các dấu hiệu ung thư sớm sẽ giúp việc chữa trị nhiều loại ung thư có tỉ lệ khỏi cao.