THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:10

Tượng nhà mồ và những giá trị tâm linh độc đáo

11/12/2021 | 20:05
Trong tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc J’rai, Ba Na, Ê Đê... những bức tượng nhà mồ có một vị trí đặc biệt, không thể trộn lẫn.
Tượng nhà mồ Tây Nguyên mang đậm nét văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tượng nhà mồ Tây Nguyên mang đậm nét văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông điệp từ những bức tượng gỗ

Tượng nhà mồ là những tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa rất riêng của các dân tộc ở Tây Nguyên. Chúng chứa đựng nhiều thông tin mang tính xã hội và cộng đồng sâu sắc đồng thời thể hiện quan niệm về sự sống, cái chết theo tín ngưỡng bản địa với những đặc trưng riêng biệt.

Trong ký ức của già làng Stơr (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), không ai biết nghi lễ làm tượng nhà mồ ở Tây Nguyên có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cùng với tiếng chiêng, tiếng trống, người dân nơi đây đã biết dựng tượng nhà mồ để tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Tiếng chiêng và tượng nhà mồ được ví như sự khởi đầu và kết thúc một vòng đời theo những quan niệm cổ xưa ở vùng đất Tây Nguyên, trở thành một nét văn hoá tâm linh riêng biệt, không thể trộn lẫn với các dân tộc khác.

Theo truyền thống, tượng nhà mồ được người dân làm vào thời điểm lễ “bỏ mả” với mục đích để phục vụ người chết ở thế giới bên kia. Ðây là lễ hội có quy mô nhất, dài ngày nhất so với cả các lễ hội khác của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Lễ “bỏ mả” thường được tổ chức vào mùa xuân tại các nghĩa địa của buôn làng và thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên quan niệm rằng, chỉ khi nào tổ chức xong lễ “bỏ mả” thì hồn ma người chết mới thực sự trở về với ông bà, tổ tiên của mình để bắt đầu một "cuộc sống" mới ở thế giới bên kia. Và cũng kể từ đây, mối quan hệ giữa người sống với người chết mới không còn, gia đình cũng không phải cúng giỗ hàng năm.

Do đó, trong thời gian diễn ra lễ “bỏ mả”, gia đình nào dựng được nhiều tượng thì càng làm cho “người chết vui lòng”. Thông qua quy mô số lượng tượng nhà mồ, có thể đánh giá được uy tín, địa vị và sự giàu có của người đã chết.

Những biểu tượng mang tính đời sống

Ngoài việc sửa sang nhà mồ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rượu cần thì việc tạc tượng để đặt ở nhà mồ là một việc làm quan trọng, không thể thiếu trong khâu chuẩn bị của nghi lễ bỏ mả. Trước khi tạc tượng, gia đình phải cúng thần nhà, thần bến nước để xin phép.

Người dân Tây Nguyên làm tượng nhà mồ như một bản năng, một cách tiếp nối đến thế giới tâm linh hơn là chú trọng đến tả thực, do đó tính biểu cảm của mỗi bức tượng tác động đến người xem nhiều hơn các yếu tố tạo hình truyền thống.

Các bức tượng tái hiện cuộc sống thật của người đã chết một cách sinh động, phong phú.

Các dạng tượng nhà mồ thường thấy ở đây là sự diễn tả tín ngưỡng phồn thực như cảnh giao phối âm dương, bào thai trong bụng mẹ, bụng mang dạ chửa… hoặc tả cảnh đời sống sinh hoạt của người Tây Nguyên như săn bắn, bế con, lấy nước, người ngồi khóc, người đánh trống, chiêng… cùng những con vật gần gũi với người như voi, ngựa, trâu, bò, gà, chim…

Không chỉ phản ánh những thông tin mang tính xã hội cùng nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáo, các bức tượng còn được các nghệ nhân tô điểm, tạo ra những điểm nhấn trong quần thể tượng nhà mồ. Các màu sắc xanh, đỏ, đen, vàng, trắng… được tạo bởi những nguyên liệu lấy từ trong thiên nhiên như rễ, vỏ và lá cây rừng cùng với than củi, máu của những con vật dùng để hiến sinh…

Nghệ nhân Rơ Châm Uek ở Chư Pah, Gia Lai cho biết, tượng nhà mồ được dựng lên trong lễ “bỏ mả” như cuộc trò chuyện cuối cùng giữa người chết với người sống. Tượng nhà mồ ngoài yếu tố là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó còn hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người: vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc và hoan lạc... Theo quan niệm của người bản địa, tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở cả thế giới người đã khuất, những giá trị nhân sinh đó vẫn tiếp diễn...

Cũng theo già làng Stơr, tượng nhà mồ gìn giữ mối quan hệ ràng buộc giữa sự sống và cái chết, được hình tượng hóa một cách mộc mạc thông qua hình dáng con người trong sinh hoạt thường ngày, những con vật gần gũi với đời sống thường nhật với mong muốn theo hầu hạ, bầu bạn với người chết ở thế giới bên kia. "Xưa kia, loại gỗ để đẽo các bức tượng nhà mồ thường là các loại cây gỗ quý có tuổi thọ hàng chục năm như: gỗ hương, cà chít... nhưng theo thời gian diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp lại, cây gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm cũng như điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều gia đình chọn cây gạo hay những loại cây khác để thay thế". - Già làng Stơr chia sẻ.

Tượng nhà mồ là điều không thể thiếu trong các nghi lễ bỏ mả.

Tượng nhà mồ là điều không thể thiếu trong các nghi lễ "bỏ mả".

Những nỗ lực bảo tồn

Có thể nói, trong kho tàng văn hoá của vùng đất Tây Nguyên, tượng nhà mồ có một vị trí đặc biệt và mang tính biểu tượng trong đời sống tâm linh của của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Trong nỗ lực bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hoá ở Tây Nguyên có nghệ thuật tạc tượng. Các tỉnh trong khu vực đã tích cực tổ chức các liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian. Ðây là dịp để nghệ nhân tạc tượng có đất trình diễn tài năng và cũng là dịp để lớp trẻ học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm quý giá.

Theo bà Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tượng gỗ dân gian được nhiều người biết tới là tượng nhà mồ phục vụ trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt là tang ma. Tuy nhiên, tượng gỗ được đồng bào sử dụng không chỉ ở nhà mồ mà còn ở nhà sàn và nhà rông với vai trò trang trí, làm đẹp không gian sống.

“Có một thực tế là số tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên đang giảm rõ rệt, chỉ còn trên dưới 1.000 bức. Nguyên nhân một phần là do yếu tố về thời tiết khí hậu, sự biến đổi trong đời sống văn hóa tín ngưỡng và đặc biệt là do ý thức của con người, trong đó có nạn trộm cắp các tượng gỗ” -  bà Hương cho biết thêm.

Ðể bảo tồn phát và phát huy giá trị nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức các cuộc thi, các ngày hội giao lưu về tượng gỗ dân gian như: Hội thi tạc tượng ở Khu du lịch sinh thái cộng đồng ở Ðắk Lắk, hay chương trình Giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), trong đó có hoạt động tạc tượng gỗ dân gian. Qua đó giúp người dân hiểu thêm các giá trị nghệ thuật, văn hoá, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.

Quang Hưng
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Hoàng Hoa Trung: Giúp đỡ được nhiều trẻ em nghèo vùng cao là điều hạnh phúc nhất

Hoàng Hoa Trung: Giúp đỡ được nhiều trẻ em nghèo vùng cao là điều hạnh phúc nhất

2 năm trước

Vì thương em nên tìm cách nuôi em - Hoàng Hoa Trung đã lý giải như thế về chặng đường 14 năm làm tình nguyện quyết tâm sớm xóa sổ những điểm trường tranh tre nứa lá để trẻ em nghèo dân...
Điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi phù hợp với sự phát triển của khoa học, giáo dục, xã hội

Điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi phù hợp với sự phát triển của khoa học, giáo dục, xã hội

2 năm trước

Ngày 8/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi.
Phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục

Phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục

2 năm trước

Ngày 9/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành giáo...