THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 07:13

Tuyên Quang nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em

29/11/2021 | 07:38
Xác định suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện trẻ em, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.
Trẻ em TP. Tuyên Quang được quan tâm, chăm sóc để phát triển toàn diện. Ảnh: Kim Thoa

Trẻ em TP. Tuyên Quang được quan tâm, chăm sóc để phát triển toàn diện. Ảnh: Kim Thoa

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, có 22 dân tộc trong đó dân tộc thiểu số chiếm 54%, trình độ dân trí ở đây còn thấp, địa bàn thì rộng, việc đi lại khó khăn, vì thế việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng nói chung, trong đó có hoạt động truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em sẽ góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực, giúp trẻ phát triển toàn diện, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh công tác truyền thông dinh dưỡng, nâng cao chất lượng khám tư vấn dinh dưỡng… nên tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ tỉnh Tuyên Quang đã giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang giảm từ 1 đến 2%/năm.

Theo Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, hiện nay toàn tỉnh có 67.102 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có hơn 26.400 trẻ em dưới 2 tuổi. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng chiếm 13,1%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về chiều cao là 15,7%; tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng chiếm 8,4%... So với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn trên 22%, con số này ở miền núi phía Bắc là 27% thì tình hình ở Tuyên Quang khá khởi sắc.

Một trong những thành công trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang đó là việc truyền thông dinh dưỡng. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên hoạt động truyền thông dinh dưỡng vẫn được Tuyên Quang làm tốt. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 44 buổi tuyên truyền về nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho gần 1.000 đối tượng là bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ; truyền thông giáo dục dinh dưỡng trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn, thôn bản được hơn 2.100 buổi.

Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức các lớp thực hành dinh dưỡng. Qua các lớp thực hành dinh dưỡng, cán bộ dinh dưỡng sẽ nói chuyện, tư vấn cho các đối tượng cách chăm sóc trẻ đúng cách; cho ăn khẩu phần ăn, các loại thịt, trứng, rau, củ quả, cách nấu như thế nào đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Cùng với truyền thông dinh dưỡng, ngành Y tế tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp tục nâng cao chất lượng khám, tư vấn tại Phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và các huyện, thành phố; tổ chức khám, tư vấn cho các bà mẹ có thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại Khoa Chăm sóc sức khoẻ trẻ em của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh; tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em phòng chống suy dinh dưỡng tại các xã, phường theo kế hoạch; cấp vật tư, trang thiết bị cho tuyến cơ sở để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng. 

Đến nay, tại các huyện, thành phố số phụ nữ sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi hiện đang được uống viên sắt, đa vi chất là 133.000 người; số phụ nữ mang thai hiện đang được uống viên sắt, đa vi chất là 9.800 người; số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng các thể được cộng tác viên dinh dưỡng, y tế thôn bản, cán bộ y tế địa phương tư vấn dinh dưỡng tại nhà hoặc cơ sở y tế là gần 7.000 trẻ...

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em tại tỉnh Tuyên Quang, đó là vấn đề về kinh phí triển khai các hoạt động và tình trạng nhiều bà mẹ phải đi làm công nhân tại các công ty ngoài tỉnh, xa nhà để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc theo cách truyền thống. Một đối tượng nữa hay gặp phải về vấn đề dinh dưỡng đó là những bà mẹ lớn tuổi có con nhỏ, những đối tượng này khả năng tiếp cận thông tin và thực hành chăm sóc trẻ đúng cách cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là những đối tượng mà ngành Y tế Tuyên Quang và các đơn vị liên quan sẽ nhắm tới trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em trong những giai đoạn tiếp theo.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang thời gian qua đã giảm đáng kể. Ảnh minh họa Đào Thanh

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang thời gian qua đã giảm đáng kể. Ảnh minh họa Đào Thanh

Trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, mục tiêu tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 12%, riêng tại huyện khó khăn như Na Hang và Lâm Bình dưới 16%. Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 16%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%. Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Tuyên Quang cũng đã đưa ra các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, vận dụng các văn bản chính sách, pháp luật đã được ban hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu. Xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong chăm sóc dinh dưỡng. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Tập trung cung cấp thông tin và truyền thông vận động đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ và gia đình, đặc biệt là các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng. Phổ biến kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế, cán bộ hội phụ nữ các cấp. Triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời. Xác định nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực cần được can thiệp dựa theo các tiêu chí về suy dinh dưỡng thấp còi, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, đội ngũ y tế thôn bản…

Nam Khánh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Quảng Bình triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Quảng Bình triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

2 năm trước

Sáng 28/11, tại TP. Đồng Hới, ngành Y tế Quảng Bình tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 1.200 học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Đây là bước khởi đầu trong chiến dịch tiêm...
“Điều ước cho em” đến với tỉnh Tuyên Quang

“Điều ước cho em” đến với tỉnh Tuyên Quang

2 năm trước

Ngày 27/11, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các doanh nghiệp tài trợ đã tới tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình “Điều ước cho...
Trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận được quan tâm, hỗ trợ

Trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận được quan tâm, hỗ trợ

2 năm trước

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo thực...