THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 12:49

Ứng xử văn minh vì cộng đồng tốt đẹp

10/02/2020 | 11:40
                          
Chia sẻ và nhường nhịn
 
Tòa nhà chung cư chúng tôi, đã thành lệ, có cuộc gặp gỡ liên hoan sau Tết, một ngày khi mọi người đi học và đi làm. Năm nay, vì dịch bệnh, thay bằng cuộc liên hoan thường có, Ban quản trị tòa nhà dành thời gian cho các bác có chuyên môn y tế phổ biến về dịch virus Corona. Mọi người được phát khẩu trang miễn phí, được phổ biến cách đeo khẩu trang đúng cách, giữ gìn vệ sinh bản thân và cộng đồng an toàn. Trong cầu thang mỗi tầng đều dán thông báo, tư vấn những điều thiết thực nhất.
 
Sự nhiệt tình của những người đi tiên phong khiến chúng tôi an tâm khi đi và trở về nhà. Tôi nhớ mãi lời khuyên của một bác gái là bác sĩ đã về hưu khi đến nhà tư vấn cách phòng chống dịch bệnh: Trước đây mọi người đeo khẩu trang nói chuyện với nhau là bất lịch sự, nhưng bây giờ lại là hành động văn minh để bảo vệ sức khỏe cho nhau. Mỗi gia đình cũng không nên tích trữ quá nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn, để tránh khủng hoảng thiếu, tạo nên cơn sốt trên thị trường, cần dành cho nhau sự chia sẻ, đồng lòng.
 
Lời khuyên đó cho tôi nhớ đến câu chuyện: Cách đây vài năm, Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất. Một phụ nữ Việt lấy chồng Nhật chia sẻ: Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị mua đồ thì bị chồng nói: "Chỉ được đổ nửa bình xăng thôi". Chị hỏi "Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao?" Chồng chị đáp: "Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình, dành cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai". Và không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm y như vậy. Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ, để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa, nhường cho người đang cần.
 
Và sau đó, toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp hàng rồng rắn, nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.
 
Từ các bến xe, bệnh viện, trên đường giao thông, những quầy thuốc bán khẩu trang giá bình ổn và những địa chỉ phát, tặng khẩu trang miễn phí đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Chiếc khẩu trang y tế đã mang đến một câu chuyện mới với màu sắc tươi sáng, ấm áp tình người. 
 
 
Một giảng viên ở TP. Huế sản xuất nước rửa tay khô tặng người dân phòng dịch virus Corona. Ảnh KT
 
Nâng cao ý thức cộng đồng, thay đổi hành vi 
 
Giữa lúc nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân gia tăng để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona, tại nhiều nơi, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân chia sẻ miễn phí khẩu trang giúp nhiều người dân bảo vệ bản thân và gia đình. Đây là những hành động đẹp rất đáng trân trọng và ghi nhận.
 
Ở không ít các quầy thuốc, khẩu trang được phát miễn phí với mong muốn giúp người dân có ý thức đeo khẩu trang để không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn giúp phòng tránh nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Từ các bến xe, bệnh viện, trên đường giao thông, những quầy thuốc bán khẩu trang giá bình ổn và những địa chỉ phát, tặng khẩu trang miễn phí đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Chiếc khẩu trang y tế đã mang đến một câu chuyện mới với màu sắc tươi sáng, ấm áp tình người. 
 
Chống dịch cũng là thử thách cho mỗi người trong lối ứng xử trước bất kì tình huống nào. Trong khi các lĩnh vực y tế, truyền thông và Nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn dịch bằng mọi biện pháp, thì mỗi người dân cũng có thể điều chế những “phương thuốc” của riêng mình. Thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, khử trùng, ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh thân thể, trường học, nhà cửa, văn phòng… là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch.
 
Người dân nên hạn chế tụ tập đông người để tránh sự lây nhiễm rộng cũng là ý thức để ngăn chặn sự bùng phát của dịch virus Corona. Trong khi đó, với những người sức khỏe kém, đang có bệnh thì càng tránh đến những nơi đông đúc như điểm du lịch, lễ hội, nhà ga, bến xe, sân bay... Đây cũng là dịp chúng ta có thể được hướng dẫn, nâng cao ý thức cộng đồng, thay đổi hành vi. Mường tượng giá như dọc đường vào các lễ hội, thay vì bán bùa cầu may hay cầu duyên, người ta bán khẩu trang hay thuốc sát trùng. Thay vì bày những trang trí ngoằn ngoèo bí hiểm, người ta bày những cuốn sách nhỏ hướng dẫn các hành vi đúng trong cộng đồng, để khi có dịch bệnh cũng góp phần hạn chế bớt lây lan. Thay vì tranh giành dẫm đạp nhau một mẩu lộc may mắn nào đó, các cơ quan, hội đoàn địa phương tổ chức những trò chơi lồng ghép kiến thức y tế, môi trường, xã hội...
 
Sự bình tĩnh, cộng đồng trách nhiệm còn thể hiện ở chỗ các cá nhân đừng thừa cơ trục lợi, không những khiến thị trường nhiễu loạn, lòng người bất an mà công tác phòng chống dịch càng trở nên quá tải, nặng nề. Cuộc sống vẫn tiếp diễn khi có dịch, con người càng phải ứng xử văn hóa hơn khi có dịch, là một trong những cách giúp phòng chống dịch hiệu quả.
Đó là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân với chính bản thân và với cộng đồng và xây dựng một nền tảng văn hóa ứng xử vững chãi giữa người với người, bất di bất dịch qua mọi biến động của xã hội.
                                                                                                               
Trước đây, mọi người đeo khẩu trang nói chuyện với nhau là bất lịch sự, nhưng bây giờ lại là hành động văn minh để bảo vệ sức khỏe cho nhau. Mỗi gia đình cũng không nên tích trữ quá nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn, để tránh khủng hoảng thiếu, tạo nên cơn sốt trên thị trường. Cần dành cho nhau sự chia sẻ, đồng lòng.

 

Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...