THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:51

Vai trò của nhân viên CTXH trong xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho học sinh yếu thế

11/10/2021 | 06:24
Trong những năm gần đây, mô hình trường học an toàn, trường học thân thiện, trường học hạnh phúc, mô hình giáo dục hòa nhập… cho học sinh các trường phổ thông nói chung và cho học sinh khuyết tật nói riêng đã được quan tâm và triển khai khá sâu rộng ở các trường phổ thông trong cả nước. Để việc xây dựng mô hình mang lại hiệu quả cao thì không thể thiếu vai trò của nhân viên công tác xã hội.

Theo TS. Hà Thị Thư, Trưởng Bộ môn Công tác xã hội (CTXH), Học viện Khoa học xã hội, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế là một mô hình giáo dục với mục tiêu tổng hợp và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục nhân cách, phát triển năng lực cho học sinh. Trong môi trường nhà trường đó, học sinh yếu thế được lắng nghe, được chấp nhận, được tôn trọng, được an toàn, được trợ giúp và được hỗ trợ để khắc phục những khó khăn, bất lợi do hoàn cảnh đem lại. Mô hình trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế chính là việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh và điều kiện thúc đẩy giáo viên nâng cao chất lượng cách thức giảng dạy phù hợp với các hoạt động trợ giúp khi các em gặp khó khăn nhất định trong quá trình học tập. Do vậy, nhà trường an toàn, thân thiện, hòa nhập có tác động rất lớn đên sự phát triển thể chất, sự lành mạnh về phẩm chất đạo đức và phát huy năng lực của của các em.

3 yếu tố hàng đầu trong xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện

Cũng theo TS. Hà Thị Thư, để xây dựng mô hình nhà trường an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế, cần 3 yếu tố chính đó là:

Về cơ sở vật chất: Đầu tiên phải kể đến việc an toàn trong công trình xây dựng, thiết kế phải đảm bảo an toàn cho học sinh như: Bàn ghế học sinh yếu thế ngồi học có phù hợp không? Hành lang, cầu thang có phù hợp và an toàn không? Cây cối trong nhà trường, khu vệ sinh có thuận tiện: khu vui chơi giải trí, khu phát học tập rèn luyện thể chất có phù hợp với học sinh yếu thế không?... Thực tế đã có công trình trường học không đủ tiêu chuẩn an toàn và đã gây ra thương tích, thậm chí ảnh hưởng cả tính mạng học sinh.

Trong trường học thân thiện, học sinh yếu thế được lắng nghe, được chấp nhận, được tôn trọng, được an toàn và được trợ giúp để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân.

Trong trường học thân thiện, học sinh yếu thế được lắng nghe, được chấp nhận, được tôn trọng, được an toàn và được trợ giúp để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân.

Bên cạnh các điều kiện cơ sở vật chất chung cho tất cả các học sinh, cần chú ý đến cơ sở vật chất cho học yếu thế như học sinh khuyết tật vận động, khiếm thị, các em cần có khu vui chơi riêng. Việc thiết kế đường đi, lối lên xuống giữa tòa nhà và sân chơi, khu vệ sinh phải phù hợp với dạng khuyết tật; hệ thống thư viện và tư liệu học tập phải đáp ứng được như sách chữ nổi Braille, sách nói dành cho học sinh khiếm thị.

Cùng với đó cũng cần chú ý đến an toàn giao thông cho học sinh nói chung và học sinh yếu thế nói riêng. Đó là an toàn nơi cổng trường, tránh việc xe cộ đi lại nhanh và sát cổng trường; đường xá giao thông gần trường cần có hệ thống chỉ báo đầy đủ; cần chú ý đến sự an toàn cho học sinh trên những tuyến đường mà lưu lượng học sinh đi lại đông đúc thông qua vai trò hỗ trợ của đội bảo vệ trường, dân quan tự quản tại địa phương, giáo viên chủ nhiệm…

Yếu tố con người: Về phía học sinh yếu thế trong nhà trường an toàn, thân thiện và hòa nhập cần được quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý khi tham gia học tập, thúc đẩy được động cơ, có ý chí và tinh thần vượt khó khăn trở ngại do hoàn cảnh, bệnh tật hay khiếm khuyết gây ra.

Về phía giáo viên và mối quan hệ với giáo viên thì người thầy/cô ngoài năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thì cần có năng lực giúp học sinh yếu thế phát huy được điểm mạnh của mình, có kiến thức và kỹ năng giao tiếp để nắm bắt các vấn đề học sinh yếu thế đang gặp, từ đó động viên chia sẻ với các em và  phối hợp với cán bộ chuyên môn khác để xây dựng được kế hoạch trợ giúp. Bên cạnh đó, nếu có học sinh khiếm thính, khiếm thị thì các thầy cô cần phải biết về chữ nổi Braille và ngôn ngữ ký hiệu.

Về mối quan hệ giữa học sinh yếu thế với các bạn học thì làm sao để học sinh toàn trường biết thông cảm, tôn trọng sự khác biệt, phát huy tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Cần xây dựng một trường học không bạo lực, không bắt nạt, không phân biệt đối xử... Thực tế, đã có rất nhiều tấm gương điển hình về tình bạn giúp nhau trong học tập. Chúng ta cần có chế độ hỗ trợ cho học sinh giúp bạn yếu thế, cần đồng viện và khen thưởng kịp thời để làm tấm gương cho các học sinh noi theo.

Về phương thức, cách thức triển khai các hoạt động dạy học và giáo dục: Cách thức triển khai các hoạt động dạy ở đây đó là lớp học nếu có học sinh khuyết tật vận động, học sinh khiếm thị, khiếm thính… thì nhà trường sẽ triển khai, tổ chức hoạt động dạy học như thế nào, nhất là các vấn đề về quy mô lớp học, tài liệu, sách vở, giáo án bài giảng, phương pháp đánh giá, hỗ trợ dạy theo nhóm, tạo điều kiện tự học, hay dạy online… để các em đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu và theo được chương trình của nhà trường.

Cách thức và phương phức dạy học làm thế nào để phát huy được thế mạnh của học sinh yếu thế. Ví dụ: Một học sinh khiếm thị thì thường có thính giác rất tốt và có thể định hướng không gian tốt. Nếu chỉ để học sinh khiếm thị học với nhau thì sẽ không có quá trình “bù trừ” được diễn ra, nên các em cần phải được đưa vào học hòa nhập, với bạn bè, thầy cô. Trong điều kiện học hòa nhập thì các em sẽ học được kỹ năng sống thiết yếu của những học sinh không khuyết tật.

Quy trình 5 bước xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: An toàn và thân thiện trong trường học không chỉ đơn thuần là việc trường học không có bạo lực, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh quan trọng khác cần đảm bảo như sức khỏe thể chất, tinh thần, cơ sở hạ tầng, quản lý rủi ro thiên tai và các sự kiện khủng hoảng khác. Mô hình trường học an toàn và thân thiện hướng đến học sinh yếu thế cần phải đảm bảo các trụ cột chính như: Cơ sở học tập an toàn; quản lý thảm họa và tình huống khẩn cấp trong trường học; giảm thiểu rủi ro và giáo dục khả năng phục hồi.

Do vậy, quy trình triển khai trường học an toàn thân thiện thường được xây dựng theo 5 bước: Bước 1, nâng cao nhận thức; bước 2, hình thành nhóm đặc trách; bước 3, thực hiện đánh giá nguy cơ; bước 4, xây dựng kế hoạch an toàn trường học và bước 5, phát triển kế hoạch giáo dục an toàn thân thiện hướng đến tất cả học sinh, bao gồm học sinh yếu thế.

Vai trò quan trọng của nhân viên công tác xã hội

Để xây dựng thành công mô hình trường học an toàn, thân thiện cho học sinh yếu thế, TS. Hà Thị Thư cho rằng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là về nhân lực thực hiện. Nhân lực ở đây ngoài giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn thì còn có giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà tham vấn tâm lý, nhân viên CTXH trường học, đội ngũ tình nguyện viên…

Đội ngũ giáo viên ngoài thực hiện năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để dạy học và giáo dục các em, cũng cần xem xét lớp mình chủ nhiệm, lớp mình tham gia dạy học có học sinh yếu thế cụ thể trong hoàn cảnh nào để nắm bắt kịp thời nhất tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, cần thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo án dạy học cho phù hợp với học sinh và để xuất biện pháp đánh giá học sinh cho phù hợp. Đối với lớp học có học sinh khiếm thính thì cần sự phối hợp với giáo viên giáo dục đặc biệt như thế nào…?

Để thực hiện tốt mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thì không thể thiếu nhân viên CTXH trong trường học. Việc thành lập Phòng CTXH trường học là vô cùng cần thiết. Với vai trò của mình, nhân viên CTXH cùng với giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà tâm lý học (hoặc giáo viên đã được đào tào, tập huấn về tham vấn, tư vấn tâm lý học đường), các tình nguyện viên… sẽ lập kế hoạch trợ giúp cho học sinh yếu thế một cách bài bản, chuyên nghiệp nhất. Họ sẽ kết nối mạnh mẽ với giáo viên bộ môn với gia đình, cộng động trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà học sinh đang gặp phải; cũng như thúc đẩy hoạt động huy động nguồn lực cộng đồng để trợ giúp cho học sinh yếu thế của nhà trường.

Bà Lê Thị Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam thì đưa ra khuyến nghị: Để bảo vệ an toàn cho trẻ em trong các trường học thân thiện, nhà trường phải xây dựng cơ chế hoạt động của nhóm bảo vệ trẻ em, các thành viên bao gồm nhân viên CTXH, cán bộ đầu mối bảo vệ trẻ em và hiệu trưởng nhà trường, đồng thời xây dựng dịch vụ và thực hành CTXH bảo vệ trẻ em và CTXH học đường.

Việc tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hòa nhập không chỉ giúp cho học sinh yếu thế, nhất là học sinh khuyết tật thấy các em được mong đợi, được khuyến khích điều có thể làm cho bản thân, cho gia đình để các em phát triển được ý thức cái tôi khỏe mạnh, tích cực; khám phá được khả năng tiềm năng của bản thân, mà còn giúp cho tất cả các học sinh khác biết cách yêu thương, thân ái, xây dựng lòng nhân hậu và vị tha, biết tôn trọng sự khác biệt của con người. Do vậy, nhà trường cần tìm kiếm những chương trình, thiết kế các chương trình và tổ chức hoạt động phù hợp với nhu cầu và năng lực của học sinh yếu thế nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng.

Đức Dương
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...