THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:29

Văn hóa học đường: Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

17/09/2022 | 08:54
Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên.
IMG_9356

Môi trường quan trọng để rèn luyện học sinh phát triển toàn diện

Mới đây, tại hội nghị “Ðẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) tổ chức, PGS. TS Ðào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường; tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng "chạy trường", "chạy điểm", "chạy bằng tốt nghiệp". Sau tốt nghiệp thì "chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc" của học sinh, sinh viên và phụ huynh, tình trạng "chạy thành tích", "chạy danh hiệu" của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên. Ðây thực sự là những "điểm nóng" của ngành Giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2022, Chính phủ đã ra 4 quyết định phê duyệt một số chương trình, đề án xây dựng văn hóa trong các trường học. Ngành Giáo dục cũng đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục, đạo đức, lối sống thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Ðặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GD-ÐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Các nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa học đường được nêu rõ trong Chỉ thị 08: Triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ðặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường; đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Ðồng thời, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.

Cần tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Ðể thực hiện điều này, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững.

Chú trọng xây dựng văn hóa học đường cho học sinh ngay từ những ngày đầu năm học.

Chú trọng xây dựng văn hóa học đường cho học sinh ngay từ những ngày đầu năm học.

Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Ðắc Vinh, thời gian qua, các cấp, các ngành nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, giáo dục văn hóa cho học sinh, sinh viên, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Ðiều này góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả giáo dục. Ðiển hình là phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Theo thông tin của đại diện Sở GD-ÐT Hà Nội, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô đã thu được kết quả khả quan. Hiện, Hà Nội đang xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và dạy cho các lớp mầm non 5 tuổi trên địa bàn thành phố. Sở GD-ÐT Hà Nội cũng chỉ đạo các nhà trường, phòng GD-ÐT các quận, huyện, thị xã thành lập bộ phận làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học. Ðến nay, 100% các đơn vị trường học (gần 1.600 trường học) đã thành lập bộ phận tư vấn tâm lý.

Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hoá học đường, Bí thư Trung ương Ðoàn Nguyễn Minh Triết đề nghị, trong thời gian tới Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội phối hợp chặt chẽ để triển khai nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường. Tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới. Và tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ các thầy cô giáo…

“Văn hóa học đường là một phần giáo dục văn hóa. Muốn có giáo dục văn hóa tốt, văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên một cơ sở bao quát và rộng lớn; điều này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được. Do đó, cần thúc đẩy sự hợp tác của các bộ, ngành để cùng vì mục tiêu rất rộng lớn này.” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Việt Cường
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Hơn 10.000 trẻ em được trang bị giá trị sống và kỹ năng sống

Hơn 10.000 trẻ em được trang bị giá trị sống và kỹ năng sống

1 năm trước

Trong gần 3 năm thực hiện (4/2020 – 9/2022), Dự án “Lớp học vui | Hope in Class” đã trang bị giá trị sống và kỹ năng sống cho hơn 10.000 trẻ em tại tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng – hai...
Nghệ An: 2 nữ sinh “mất tích” bí ẩn là chị em họ

Nghệ An: 2 nữ sinh “mất tích” bí ẩn là chị em họ

1 năm trước

Ngày 15/9, thông tin từ UBND xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết lực lượng công an đang phối hợp với gia đình để tìm kiếm tung tích của 1 nữ sinh trên địa bàn bỏ nhà đi...
Phỏng vấn 70 phụ huynh nuôi con thành công, phát hiện 4 câu nói nhắc nhở con được áp dụng ngay từ nhỏ

Phỏng vấn 70 phụ huynh nuôi con thành công, phát hiện 4 câu nói nhắc nhở con được áp dụng ngay từ nhỏ

1 năm trước

Chuyên gia nuôi dạy con với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong chính phủ Mỹ, đã phỏng vấn hơn 70 cặp cha mẹ nuôi con thành công và phát hiện điều này.
'Câu chuyện của những chuyến đi”

"Câu chuyện của những chuyến đi”

1 năm trước

Tọa đàm “Câu chuyện của những chuyến đi” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức ngày 16/9 nhằm mục đích tạo cơ hội cho các phóng viên, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực...