THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 09:21

Vào xuân trên đôi cánh của những niềm vui

20/01/2020 | 10:31
 
Những con số đáng tự hào
 
Năm 2019, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến không thuận lợi. Các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019, mức tăng dưới 3%.
 
Trong bối cảnh như vậy, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được những thành tựu rất đáng tự hào: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) ước đạt 266 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD (tương đương khoảng 63 triệu đồng), tăng hơn 200 USD so với năm 2018. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua.
 
Mức tăng cụ thể của một số ngành như sau: Ngành công nghiệp năm 2019 duy trì mức tăng trưởng cao với 8,86%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%. Khu vực dịch vụ năm 2019 tăng 7,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%; ngành vận tải, kho bãi tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 9,12%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 517 tỷ USD – một con số rất ấn tượng; xuất khẩu năm 2019 ước tính đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1%; xuất siêu trên 9 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đạt con số xấp xỉ 80 tỷ USD. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm trước.
 
Điều quan trọng là tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu. Năng suất lao động năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,2% cao nhất trong các năm 2016-2019. Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 210,4%. Điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.
 
Một điều có ý nghĩa quan trọng là cơ cấu kinh tế năm 2019 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%. Sự chuyển dịch cho phép chúng ta hi vọng vào sự phát triển cân đối, bền vững của nền kinh tế. Hơn thế nữa, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu. 
 
Thành tích trong đối ngoại, văn hóa, giáo dục, thể thao cũng rất đáng tự hào. Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN theo luân phiên. Bước sang năm 2020, Việt Nam bắt đầu các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng bảo an 2020-2021. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế đều đạt được thành tích tốt, với hàng chục huy chương các loại. Đặc biệt, tại SEA GAMES 30 diễn ra tại Phillipines, Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn (chỉ sau nước chủ nhà) với 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng. Điều đáng phấn khởi là chúng ta giành cả huy chương vàng bóng đá nam và nữ.
 
 
Tiềm năng đang được ấp ủ để bứt phá trong tương lai
 
Tài sản quý giá nhất của Việt Nam hiện nay là con người. Con người đang được quan tâm và được xem vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Dân số của Việt Nam năm 2019 là 96,48 triệu người, tăng 1.098,8 nghìn người, tương đương tăng 1,15% so với năm 2018. Trong tổng dân số, dân số thành thị 33,46 triệu người, chiếm 34,7%; dân số nông thôn 63,02 triệu người, chiếm 65,3%; dân số nam 48,02 triệu người, chiếm 49,8%; dân số nữ 48,46 triệu người, chiếm 50,2%.
 
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2019 là 55,8 triệu người, tăng 417,1 nghìn người so với năm 2018; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 49,1 triệu người, tăng 527,7 nghìn người so với năm trước. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2019 là 54,7 triệu người, bao gồm 19 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 34,7% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 29,4%; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 35,9%.
 
Tính chung năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 1,98%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,16%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) ước tính là 6,39%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2019 ước tính là 1,26%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,67%; khu vực nông thôn là 1,57%.
 
Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng lên 75,6 tuổi – đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 56 trên thế giới; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong mẹ và trẻ em giảm mạnh. Việt Nam đang có chiến lược tăng chiều cao sức bền đáng kể trong 10 năm tới, cụ thể đến năm 2030, chiều cao của nam đạt 1,7 mét, nữ đạt 1,6 mét. Lúc này dân số Việt Nam đạt 104 triệu người.
 
Mùa xuân tới, người ta bàn chuyện tương lai và đưa ra những dự đoán lạc quan. Với những thành tích to lớn trong năm 2019, Việt Nam bước vào năm 2020 với tư thế đĩnh đạc. Có thể xem Việt Nam vào xuân trên đôi cánh của những niềm vui. Không khí phấn khởi đang tràn ngập ở khắp mọi nơi. Niềm vui đang được hoa lá mùa xuân nhân lên gấp bội và lan tỏa khắp phố cùng quê.

 

Nguyên Hồ/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...