THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 11:12

Vì Ngày Mai - Nơi tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật

17/11/2022 | 06:51
Nhắc đến Trung tâm Vì Ngày Mai (Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội), là nhắc đến một đơn vị điển hình đã có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề kết hợp tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật: vận động, khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, và các dạng tật khác (có độ tuổi từ 15 đến 35).
Vì Ngày Mai và cá nhân bà Nguyễn Thị Hương (ngoài cùng bên trái) vinh dự được Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen.

Vì Ngày Mai và cá nhân bà Nguyễn Thị Hương (ngoài cùng bên trái) vinh dự được Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen.

Tạo điểm tựa, thay đổi số phận

Nhiều bạn trẻ Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ Học viện Tài chính (Hà Nội) được tham gia tình nguyện tại Trung tâm Vì Ngày Mai. Lần đầu tiên chứng kiến các bạn trẻ khuyết tật dồn công sức tạo nên các sản phẩm thú vị là chiếc lọ, cốc, rổ, gối, hộp đựng kim chỉ, tấm lót chân, hay các thú cưng… từ những tờ báo, mẩu bìa, vải vụn thân thiện với môi trường, có tính thẩm mỹ và sử dụng được. Ngưỡng mộ hơn, nhiều sản phẩm các em làm ra như: hoa lụa, bưu thiếp, tranh sơn mài... đã và đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ðức…

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết trò chuyện cùng Thương Thương, chủ doanh nghiệp Thương Thương Handmade.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết trò chuyện cùng Thương Thương, chủ doanh nghiệp Thương Thương Handmade.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai chia sẻ, công tác dạy nghề cho người khuyết tật, gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức xã hội, hoàn cảnh gia đình… của học viên khác nhau. Vì thế, trước khi dạy nghề, Trung tâm phải dạy chữ, dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tập thể và cả sự tự tin hòa nhập cho học viên. Học viên là những người khuyết tật, mỗi người mỗi dạng tật nên người truyền nghề phải có phương pháp dạy phù hợp cho từng học viên, phải am hiểu, biết xử lý tình huống hiệu quả với từng loại tật… Ðược vậy mới mong đạt yêu cầu: Học viên đã học thì phải hiểu, phải biết viết, biết đọc, biết ra cử chỉ ký hiệu…, có thế mới cùng sống, cùng học nghề cùng làm việc và giao lưu được…

Theo Phó giám đốc Nguyễn Thị Hương, dạy nghề cho người khuyết tật là việc rất khó. Tuy nhiên, “có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu như dạy người bình thường làm thành thạo một bông hoa chỉ mất 2-3 ngày thì với người khuyết tật trí tuệ phải mất hơn 6 tháng. Chưa hết, để có được chương trình dạy và học phù hợp, để tất cả học viên đều có thể tham gia, rồi khi học xong có tay nghề khá, có việc làm, có thu nhập luôn là vấn đề nan giải.

Ðể làm được điều này, việc dạy nghề phải hướng tới sản phẩm đầu ra phải đa dạng, phong phú. Và mặt hàng thủ công quà tặng trở thành tâm điểm khơi gợi cảm hứng, thổi bùng sự sáng tạo trên nền tảng các nghề truyền thống: May, thủ công mỹ nghệ, sơn mài, thêu, mộc, họa, điêu khắc... Nhờ vậy, khi ra trường học viên đều tự tin, có tư duy làm việc không thua kém người bình thường.

Các bạn trẻ Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ Học viện Tài chính thử sức nhiều công đoạn làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ giúp các thành viên Vì Ngày Mai.

Các bạn trẻ Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ Học viện Tài chính thử sức nhiều công đoạn làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ giúp các thành viên Vì Ngày Mai.

Ðể người yếu thế khởi nghiệp, được nâng đỡ và vươn xa

Theo thống kê, nước ta có khoảng 28 triệu người thuộc diện yếu thế, trong đó số người khuyết tật chiếm tới 9% dân số. Việc làm, với người bình thường đã rất quan trọng, nhưng với người khuyết tật còn quan trọng và đặc biệt hơn.

Nhiều năm trước, Thương Thương, một cô bé khuyết tật đã cùng một số cộng sự quyết tâm lập nghiệp, với mong muốn tạo việc làm cho chính mình và giúp đỡ người yếu thế như mình. Do mắc bệnh xương thủy tinh, Thương Thương không đi, không ngồi được, chỉ cao như bé 1 tuổi. Ngày đầu đến Vì Ngày Mai, bố mẹ em lo lắng: “Chúng tôi không dám đưa con ra đường vì bị dị nghị, xa lánh. Khi bố mẹ già mất đi, con sống thế nào…”. Sau nhiều năm bố mẹ cần mẫn đưa em đến Vì Ngày Mai, cùng sự tự nỗ lực vươn lên, em đã thay đổi được nhận thức, số phận để bản thân không thua kém ai. Giờ đây, Thương Thương là một chủ doanh nghiệp, giúp hơn 10 bạn khuyết tật có việc làm ổn định.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái, kiêm giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai cho biết, là một tổ chức từ thiện xã hội, được Giáo sư Nguyễn Tài Thu ra quyết định thành lập cách đây 20 năm, đến nay Vì Ngày Mai đã đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1.600 thanh thiếu niên khuyết tật trong cả nước, trong đó hơn 80% các bạn ra trường đều có việc làm ổn định. Tính đến nay, đã có 6 nhóm tự lực như Vì Ngày Mai ban đầu và 5 doanh nghiệp do các bạn làm chủ đang giúp cho khoảng 400 bạn khuyết tật khác có việc làm. Ðặc biệt, Trung tâm là cái nôi kết duyên mang lại hạnh phúc cho hơn 70 đôi vợ chồng là người khuyết tật.

Ban lãnh đạo Trung tâm đang nỗ lực tiếp tục hỗ trợ các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần: Tạo một cơ sở ăn ở và làm việc ổn định cho các em; Phối hợp với các tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho các em; Tìm đầu ra cho các sản phẩm do các em làm ra; Tìm các nguồn tài trợ giúp đỡ cho các em có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định. “Tôi rất mong được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ sát cánh cùng chúng tôi chung tay tạo lập cho các em một môi trường sống thực sự hạnh phúc”, bà Bạch Tuyết bày tỏ.

Tạo dựng được uy tín trong cộng đồng xã hội nói chung, trong lĩnh vực dạy nghề tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật nói riêng, thương hiệu “Vì Ngày Mai” đã, đang ngày một lan tỏa, khẳng định.

Tại Hội nghị tuyên dương người tốt việc tốt vì sự nghiệp trợ giúp trẻ em khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2018-2022, Trung tâm Vì Ngày Mai và cá nhân chị Nguyễn Thị Hương (Phó giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai) vinh dự được Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cứu trợ trẻ em tàn tật.

Thiên Phúc - An Dân
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
10 cuốn sách hay về nghề thầy

10 cuốn sách hay về nghề thầy

1 năm trước

Nhân dịp 20/11/2022, Vì trẻ em giới thiệu 10 đầu sách nói về nghề giáo và sự ảnh hưởng của giáo dục đối với xã hội. Với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, 10 cuốn...
Ngày 15/11/2022: Dân số thế giới đạt 8 tỉ người - Một thế giới với những tiềm năng vô hạn

Ngày 15/11/2022: Dân số thế giới đạt 8 tỉ người - Một thế giới với những tiềm năng vô hạn

1 năm trước

Ngày hôm nay 15/11/2022, dân số thế giới đạt 8 tỉ người - Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố. Thời điểm mà thế giới...
Những hiệu ứng tích cực của chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa

Những hiệu ứng tích cực của chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa

1 năm trước

Thời gian qua, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của giáo dục.