THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:20

Vì sao phải dạy trẻ em cách phòng tránh bom mìn?

18/05/2020 | 15:20
 
Tỷ lệ nạn nhân bom mìn là thanh thiếu niên do chơi đùa với bom mìn chiếm gần 30%
 
Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15 triệu 350 nghìn tấn (trong đó có 7 triệu 850 nghìn tấn thả từ máy bay và 7 triệu 5 trăm nghìn tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Tất cả các loại bom, mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.
 
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng tại một số tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi), đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
 
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nạn nhân bom mìn là thanh thiếu niên do chơi đùa với bom mìn chiếm gần 30%. Tại Quảng Trị, trong 7.000 nạn nhân bom mìn, thì có tới 1.742 em học sinh (chiếm 31,57%), nguyên nhân chính là do các em thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của bom mìn. 
Theo Thiếu tướng Đào Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn: Từ thực tế giáo dục phòng chống bom mìn cho trẻ em đã và đang diễn ra hiện nay, có thể thấy, trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam thì “một đồng chi cho truyền thông cũng có giá trị tương đương một đồng cho việc rà phá, khắc phục”. 


Tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho các em học sinh tại các xã, phường, thị trấn của huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Sĩ Tạo

Một số kỹ năng phòng tránh bom mìn cho trẻ em 
 
Các chuyên gia cho biết, trẻ em là đối tượng hiếu động, tò mò nên tại các trường học và khu dân cư có thể triển khai một số kỹ năng phòng tránh bom mìn cho trẻ em như sau: Không xem người lớn cưa đục bom mìn; Khi thấy bom mìn, hãy tránh xa và báo cho người lớn hoặc cơ quan chức năng; Không chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi đốt lửa trong khu vực có biển báo nguy hiểm; Không tắm trong hố bom cũ; Không nhặt, đập, ném vào vật nghi ngờ là bom mìn; Trường hợp nhìn thấy bom mìn, quay lại dấu chân cũ rồi báo cho cơ quan chức năng và người lớn đến xử lý.
 
Nói về vấn đề giáo dục phòng chống bom mìn cho trẻ em, theo Đại tá Đặng Văn An - Trung tâm Công nghệ xỷ lý bom mìn, Binh chủng Công binh, để trẻ em hiểu, nắm rõ tính nguy hiểm của bom mìn và vật nổ thì phải hướng dẫn cho các em biết tại sao bom mìn chưa nổ, thế nào sẽ gây nổ để các em bớt tò mò. Thứ hai, phải gắn với hình tượng dễ nhớ, sát với cuộc sống để các em dễ hình dung. Ngoài việc trực tiếp giới thiệu, cũng cần phát tờ gấp để các em và gia đình nắm rõ hơn. 


Những bức tranh tường nghệ thuật hỗ trợ giáo dục nguy cơ bom mìn cho trẻ em tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T. Phú
 
Điển hình, từ năm 2014, tại Quảng Trị, sau thời gian triển khai chương trình giáo dục, tuyên truyền phòng tránh bom mìn cho trẻ em, số nạn nhân bị tai nạn bom mìn đã giảm đáng kể, nhiều địa phương không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do bom mìn gây ra với trẻ em. Tại huyện A Lưới, một trong những trọng điểm ô nhiễm bom, mìn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ với 8 tiết học tập bổ trợ về kiến thức phòng tránh bom mìn mỗi năm, nhiều năm gần đây, địa phương đã không còn xảy ra tai nạn bom mìn đối với trẻ em. 
 
Hay như tại Trường Mầm non Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị), những thông điệp về giáo dục phòng tránh hiểm họa bom mìn đã được truyền đạt qua những bức bích họa đầy sắc màu ngay tại hàng rào của trường, giúp các cô giáo mầm non hướng dẫn các trẻ ý thức phòng tránh bom mìn từ nhỏ. Theo bà Trần Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cửa Việt: Những bức tranh phòng tránh bom mìn rất bổ ích cho các cháu, qua đó cho trẻ biết đến những thông điệp về bom mìn, giúp trẻ trải nghiệm, biết cách để phòng tránh và bảo vệ cho bản thân. Theo đại diện tổ chức RENEW (một tổ chức trong lĩnh vực rà phá bom mìn), năm 2019, tổ chức này thực hiện 15-17 công trình vẽ tranh tường cộng đồng tuyên truyền phòng tránh bom mìn tại địa bàn Quảng Trị và xem xét nhân rộng mô hình này ra một số địa phương khác trên cả nước trong thời gian tới. 
 
Một bộ truyện tranh giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh cũng đã ra mắt cuối năm 2018 mang nhiều thông điệp về phòng tránh tai nạn bom mìn rõ ràng, ngắn gọn, dễ đọc, dễ thuộc và dễ nhớ; có tính giáo dục cao cả về ý thức, nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ em; có tính thẩm mỹ, có khả năng thu hút người đọc và tính phổ cập cao. 33.000 cuốn đã được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và các chi hội địa phương trao tặng học sinh tại các vùng ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc khiến các em nhỏ rất hào hứng. 
 
Như vậy, những cuốn sách, bức tranh tường, những quả ổi tượng trưng quả bom bi, những củ măng rừng tượng trưng quả đạn cối, cùng các hình ảnh trực quan và cách truyền đạt khéo léo của giáo viên đã khiến cho những buổi học về giáo dục phòng tránh bom mìn luôn được các em học sinh hào hứng đón nhận, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách phòng tránh bom mìn.
 

 

Trí Đức/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...