THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:05

Việc hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên: Dấu mốc quan trọng về quyền trẻ em

07/04/2020 | 07:32

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Ảnh: Trương Việt Hùng/UNICEF Việt Nam

 

Xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện


Thời gian qua, ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại cần được bảo vệ, đặc biệt là những vụ án xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo lực và những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân của những mâu thuẫn, bạo hành trong gia đình.


Qua khảo sát thực tế cho thấy, khi giải quyết các vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi, từ các thẩm phán thường tập trung vào việc xử lý người phạm tội mà ít quan tâm, tìm hiểu, đánh giá những tổn thương về tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra (đặc biệt là những trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành, bóc lột sức lao động) để từ đó có những biện pháp cụ thể, tư vấn, hỗ trợ, giúp cho các em phục hồi, phát triển; các tòa án cũng chưa có những cơ chế chính thức tìm hiểu, đánh giá về điều kiện sống, học tập, nhu cầu cần được hỗ trợ, tình trạng tổn thương về sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra; chưa có cơ chế chính thức trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội có chức năng làm công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em để quyết định những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.


Qua đó cho thấy, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em là nạn nhân trong các vụ án hình sự nói riêng cần được quan tâm hơn nữa; cần đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là tòa án, để bảo đảm việc tiến hành tố tụng không gây tác động xấu đến tâm sinh lý của trẻ em; có cơ chế hữu hiệu để tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em bị tổn hại về tinh thần và sức khỏe, giúp các em phục hồi phát triển lành mạnh.


Việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân theo hướng hợp lý hơn mà còn là thiết chế mới tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại TAND. Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về Tòa Gia đình và người chưa thành niên ngày càng đầy đủ hơn.

Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: Tòa Gia đình và người chưa thành niên có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ảnh: Trương Việt Hùng/UNICEF Việt Nam


UNICEF khuyến nghị tiếp tục nhân rộng Tòa Gia đình và người chưa thành niên


Qua công tác sơ kết thực tiễn xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên cho thấy, mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội luôn bảo đảm việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tòa Gia đình và người chưa thành niên luôn bảo đảm quyền có người bào chữa; bảo đảm nguyên tắc bí mật thông tin liên quan đến người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án. Phiên tòa thân thiện, gần gũi để bị cáo có tâm lý ổn định, an tâm tại phiên tòa.


Đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án giải quyết trên nguyên tắc bảo vệ truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; Giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái; Hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội


Đặc biệt ghi nhận những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật để tăng cường bảo vệ trẻ em trai và trẻ em gái khỏi mọi hình thức xâm hại, bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trong những nỗ lực này, cần phải kể đến việc ghi nhận quyền được bảo vệ của trẻ em trong Hiến pháp, việc quy định một chương riêng về bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em. UNICEF cũng hoan nghênh việc tăng cường bảo vệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên trên toàn quốc là một dấu mốc quan trọng về quyền trẻ em. “Tòa Gia đình và người chưa thành niên có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em. UNICEF khuyến nghị tiếp tục nhân rộng tòa án này ở tất cả các tỉnh, thành phố còn lại của Việt Nam”, bà Lesley Miller chia sẻ tại một hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa Gia đình và người chưa thành niên”, tổ chức năm 2019 tại Hà Nội.


Theo Báo cáo phân tích hệ thống pháp luật về tư pháp người thành niên và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong 15 năm qua, trung bình mỗi năm có 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Trong giai đoạn này, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã giảm khoảng 60%. Số vụ vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), còn số vụ phạm pháp hình sự của người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (35%). Các hành vi xâm phạm sở hữu là phổ biến nhất (gần 46%) và các loại hành vi đặc biệt nghiêm trọng, như giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, cướp tài sản, cướp giật chiếm tỷ trọng nhỏ.

Minh Châu/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...