THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 05:15

“Việc nhẹ, lương cao” và cạm bẫy mua bán người

31/07/2022 | 06:39
Mới đây, Bộ Công an đã phát cảnh báo trên cả nước về tình trạng người dân, trong đó có thanh thiếu niên bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng.
Các đối tượng tham gia đường dây đưa người trái phép qua Campuchia bị bắt giữ tại Đồng Nai.

Các đối tượng tham gia đường dây đưa người trái phép qua Campuchia bị bắt giữ tại Đồng Nai.

Nhiều trẻ em là nạn nhân

Thông tin từ các đơn vị chức năng cho thấy, các hoạt động lôi kéo, đưa người Việt Nam sang Campuchia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia, giúp sức của một số cá nhân người Việt Nam và Campuchia đã xuất hiện từ đầu năm 2020 và có dấu hiệu gia tăng trong nhiều tháng trở lại đây.

Thông qua mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, các đối tượng xấu nhắm đến những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em với những lời hứa hẹn tìm việc làm nhẹ nhàng nhưng có thu nhập cao. Những đối tượng này đã tổ chức thành các đường dây đưa đón người, hoạt động rất tinh vi để tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng chứng năng Việt Nam và Campuchia.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 - 35. Đặc biệt, có nhiều trường hợp trẻ em đang ở độ tuổi vị thành niên cũng bị các đối tượng trên dụ dỗ, bỏ trốn sang Campuchia làm việc. Nhiều em được yêu cầu không thông báo cho người nhà, chặn số điện thoại người thân, gây ra tâm lý hoảng loạn cho gia đình.

Gần đây nhất là trường hợp của một bé gái học lớp 7 ở quận Bình Tân (TP.HCM) bỏ nhà sang Campuchia ngày 30/5. Nghe lời lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu, cô bé đã tự đặt xe ôm công nghệ chở đến bến xe miền Tây và từ đó người nhà mất liên lạc với em. Không liên lạc được với bé gái, người nhà hốt hoảng đăng thông báo tìm kiếm khắp nơi. Vài ngày sau, bé gái gọi về nhà thông báo đang làm việc tại Campuchia. Hiện gia đình đang nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ tìm kiếm để đưa cháu về.

Một nạn nhân bỏ trốn thì bị công ty bắt lại đánh đập, chụp ảnh gửi về cho gia đình mang tiền sang chuộc.

Một nạn nhân bỏ trốn thì bị công ty bắt lại đánh đập, chụp ảnh gửi về cho gia đình mang tiền sang chuộc.

Theo một số nạn nhân bị lừa sang Campuchia và đã được gia đình bỏ tiền chuộc về Việt Nam chia sẻ, quảng cáo là "việc nhẹ lương cao", nhưng khi sang Campuchia, tất cả đều được đưa đến các cơ sở kinh doanh tiền ảo, sòng bài... do người Trung Quốc quản lý. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, hoặc bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền khoảng 1.000 USD. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói, ép vi phạm pháp luật, là nữ có thể bị ép làm gái mại dâm... Trường hợp muốn về nước, chủ cơ sở sẽ bắt nạn nhân nộp tiền chuộc từ 3.000 USD đến 30.000 USD.

Theo lời kể của em N.B.H.N và N.Q.K (cùng 16 tuổi) trú tại tỉnh Bình Thuận. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Campuchia, biết mình bị lừa nên các em đã xin nghỉ việc. Lúc này, quản lý yêu cầu mỗi người phải trả 90 triệu đồng gọi là “chi phí đưa sang công ty” và “bồi thường hợp đồng lao động”. Không còn lựa chọn, N. đã phải liên lạc về gia đình nhờ mang tiền sang Campuchia chuộc đưa về Việt Nam. Còn N.Q.K. bỏ trốn không thành công nên bị đánh đập và bán lại cho một sòng bạc khác. Đến ngày 20/5/2022, K. đã liên lạc với gia đình cầu cứu. Gia đình phải vay mượn 120 triệu đồng để nộp rồi K. mới được về Việt Nam.

Hình ảnh các nữ sinh bắt xe khách vào Nam tại bến xe Nước Ngầm (Ảnh trích xuất camera an ninh do Công an cung cấp).

Hình ảnh các nữ sinh bắt xe khách vào Nam tại bến xe Nước Ngầm (Ảnh trích xuất camera an ninh do Công an cung cấp).

Cùng thời điểm trên, gia đình của em N. T. N. (16 tuổi) tại tỉnh Phú Yên và P. P. (16 tuổi) ở tỉnh Gia Lai cũng nhận được cuộc gọi yêu cầu phải nộp tiền để con được trở về Việt Nam an toàn. Sau đó, gia đình N. phải đóng 70 triệu còn P. được các lực lượng chức năng tại Campuchia giải cứu.

Theo lời kể của gia đình em H. (15 tuổi) ở Gia Lai, do tin lời rủ rê trên mạng nên cuối tháng 3/2022, H. tự ý bỏ học trốn sang Campuchia làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý. Tuy nhiên, do không hoàn thành công việc, H. bị đánh đập, yêu cầu gia đình nộp phạt 130 triệu đồng. Khi không có tiền nộp phạt, gia đình được yêu cầu tìm khoảng 10 người biết sử dụng thành thạo máy vi tính để đưa sang Campuchia làm việc với mức hoa hồng là 15 triệu đồng/ người và số tiền này sẽ dùng thay cho việc trả nợ. Mặc dù rất lo lắng cho con trai nhưng bà L. (mẹ H.) đã cự tuyệt và trình báo các cơ quan chức năng để giúp đưa con về Việt Nam.

Cảnh báo của Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Đồng Tháp.

Cảnh báo của Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Đồng Tháp.

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Trên thực tế, khi nhận được những lời đề nghị sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” thì thay vì cảnh báo và tố cáo đến các cơ quan chức năng, nhiều nạn nhân lại sẵng sàng quay ra móc nối, tự tô vẽ bản thân đang làm việc tốt, thu nhập cao, dụ dỗ thêm nhiều người khác để ăn hoa hồng (từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/ người). Chiêu quảng cáo “người thật, việc thật” này đã khiến nhiều người tin tưởng và sập bẫy.

Mới đây, sau khi nhận được đơn trình báo về một nữ sinh bị mất tích, Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời lần theo dấu vết chiếc xe chở bé gái từ Bắc Giang đến bến xe phía Nam Hà Nội rồi vào Bình Thuận. Qua đó, phát hiện một nhóm gồm 5 nữ sinh (từ 13-15 tuổi) tự ý bỏ nhà vào Nam để sang Campuchia làm việc theo lời hứa của một đối tượng nữ trên mạng xã hội. Đáng chú ý, khi người nhà tìm cách liên lạc, một cháu đã cố tình nói không chính xác địa điểm, tuyến đường di chuyển gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Theo các cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận, 5 nữ sinh trên đã vô cùng may mắn khi được phát hiện kịp thời và được giao lại cho gia đình.

Trước tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã phát đi nhiều cảnh báo, đồng thời gấp rút tiến hành điều tra, truy tố những đối tượng cầm đầu các đường dây, tổ chức, móc nối đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan của Việt Nam và Campuchia đã đưa về nước khoảng 400 trường hợp (riêng 6 tháng đầu năm 2022 là 250 trường hợp), hướng dẫn can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng vừa có khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm mua bán người như hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức xuất nhập cảnh bất hợp pháp. Hoặc hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh...

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho biết, trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: + 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân + 84-981 84 84 84.
Xuân Quang
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Quảng Nam: Trao giải cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2022

Quảng Nam: Trao giải cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2022

1 năm trước

Sáng 29/7, Tỉnh Đoàn Quảng Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT, Sở KH&CN, Sở GD&ĐT tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Nam năm...
Đồng Tháp: Hai học sinh được kết nạp Đảng

Đồng Tháp: Hai học sinh được kết nạp Đảng

1 năm trước

Ngày 28/7, tại Trường THPT Đỗ Công Tường, Đảng ủy nhà trường tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho hai học sinh ưu tú, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Cả hai em vừa mới tốt...
Trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2022

Trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2022

1 năm trước

Ngày 28/7, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ...
Tạp chí Trẻ em Việt Nam - tiếng nói của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Tạp chí Trẻ em Việt Nam - tiếng nói của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

1 năm trước

Sáng ngày 28/7, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Tại Lễ ra mắt, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã công bố quyết định thành...