THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 07:17

Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về phòng chống ung thư

13/12/2020 | 17:01

Mỗi năm, chương trình sẽ tuyển chọn 20 ý tưởng xuất sắc nhất để cùng đồng hành, các nghiên cứu tiềm năng sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ thực hiện nghiên cứu cùng sự tư vấn hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ung thư tại Việt Nam và trên thế giới.

Những đối tượng được V-CART hỗ trợ là các cán bộ y tế, học viên, sinh viên đang hoạt động trong lĩnh vực ung thư có năng lực nghiên cứu, quản lý và giám sát thực hiện nghiên cứu. Các tiêu chuẩn để lực chọn là: khả thi, thú vị, tính mới, đạo đức, có ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng các đại biểu tại lễ công bố Chương trình hỗ trợ nghiên cứu và công nghệ trong ung thư (V-CART).


Chia sẻ tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay những ngày đầu nghiên cứu về ung thư rất đơn giản. Khi đó, những nghiên cứu viên chỉ có các quyển sổ với cách ghi chép thủ công. Một trong những nghiên cứu đầu tiên được triển khai trong lĩnh vực ung thư đó là đề tài về hiệu quả trong điều trị ung thư vú với Hoa Kỳ. Sau này, nghiên cứu đó của các y bác sỹ Việt Nam đã được đưa vào phác đồ điều trị chung toàn thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, ung thư đang là một gánh nặng lớn cho sức khoẻ người dân Việt Nam và được coi là một trong các nhóm bệnh ưu tiên thuộc Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm. Điều trị ung thư một cách toàn diện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ từ các chuyên ngành bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ.

Kỹ thuât, thuốc mới trong điều trị ung thư được nghiên cứu và tiến bộ hàng ngày, đòi hỏi bác sĩ phải biết quyết định dựa trên các bằng chứng khoa học để mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

Mặt khác, để có thể đưa ra được quyết định điều trị chính xác cho bệnh nhân, các bác sĩ cần dựa trên nhiều cơ sở dữ liệu và thông tin y khoa, trong đó dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ trưởng Thuấn kỳ vọng chương trình hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về ung thư lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ hội tụ các nhà khoa học trong nước. Chương trình kết nối với thế giới tìm ra các biện pháp hiệu quả để sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và chất lượng sống cho người bệnh.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong. Theo ước tính, 40% số ca bệnh ung thư có thể dự phòng, 30% có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Với các biện pháp điều trị ung thư hiện tại có thể cứu 30% số bệnh nhân ung thư còn lại. Dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị song nhiều bệnh ung thư vẫn còn là thách thức lớn trong điều trị.

Trao đổi với báo chí tại sự kiện này PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về 3 bệnh ung thư là: phổi, tuỵ và khoang miệng. Trong đó, ung thư phổi là bệnh hay gặp, hiện có có nhiều tiến bộ trong điều trị (thuốc mới, kỹ thuật xạ trị mới).

Ung thư tuỵ là bệnh khó điều trị, tiên lượng rất xấu vì thế vấn đề đặt ra là cần phát hiện sớm bệnh. Hiện có nhiều công nghệ sinh học để phát hiện sớm, Bệnh viện đang nghiên cứu theo hướng này nhằm cải thiện chất lượng điều trị.

Tương tự với bệnh ung thư khoang miệng, hiện có nhiều phương pháp xác định giai đoạn cho chính xác hơn, từ đó giúp điều trị chính xác hơn. Chẳng hạn như vấn đề xạ trị trước kia có nhiều tai biến, hiện nay với công nghệ xạ trị mới góp phần giảm tai biến nhiều hơn.

PGS.TS Lê Văn Quảng cho hay, Bệnh viện K đang trong tiến trình tiến tới bệnh viện thông minh, hàng ngày dữ liệu của bệnh viện đều ghi nhận tất cả bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện K. Tiến tới ghi nhận cả số mắc ở vùng sâu vùng xa để có số liệu chính xác hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng có thể lập bản đồ ung thư của Việt Nam, ghi nhận cả số mắc ở vùng sâu vùng xa để có số liệu chính xác hơn. Những bệnh ung thư phổ biến hiện nay là ung thư phổi, gan, vú, cổ tử cung, dạ dày, đại trực tràng. Một điểm đáng lưu ý là nhiều bệnh ung thư có xu hướng trẻ hóa”- PGS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ.

Quy trình xét chọn hồ sơ đăng ký V-CART hàng năm bao gồm:

Tháng 12: Thông báo chương trình hỗ trợ từng năm.

Tháng 1: Ứng viên gửi ý tưởng nghiên cứu.

Tháng 2: Hội đồng chất lượng đánh giá ý tưởng nghiên cứu và thông báo kết quả tuyển chọn ý tưởng.

Tháng 3: Ứng viên gửi hồ sơ nghiên cứu. Hội đồng đánh giá hồ sơ sơ nghiên cứu và thông báo kết quả.

Các ứng viên gửi nộp ý tưởng, tải và nộp hồ sơ nghiên cứu, theo dõi kết quả trên website: www.vcart.nci.vn

V-CART ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc nghiên cứu chuyên sâu về ung thư, kết quả nghiên cứu có thể nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại, cũng như tìm ra các hướng đi mới góp phần kiểm soát ung thư trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.


Khánh Linh/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.