THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:11

Việt Nam nỗ lực phòng tránh bạo lực trên cơ sở giới do ảnh hưởng bởi COVID – 19

29/09/2020 | 10:46


 
Đại dịch COVID-19 làm cho phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bạo lực ngày càng gia tăng. Ảnh Minh Đức/ UNFPA

Nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ

Trong các thời điểm khủng hoảng như thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra, với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang. Bên cạnh đó, các dạng bạo lực trên cơ sở giới khác như bị bóc lột và lạm dụng tình dục trong các tình huống này cũng có thể lan rộng.

Bạo lực xuất hiện trong các gia đình và ở cộng đồng. Trong những thời điểm bấp bênh, nhiều áp lực và lo lắng, điều đáng buồn là tình hình bạo lực vốn đã xấu lại càng xấu hơn. Phụ nữ sợ hãi không dám tố cáo, còn trẻ em thường không ở địa vị để có thể tố cáo những hành động bạo lực.

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), tính chất cuộc gọi đến các đường dây nóng của Trung tâm đề nghị hỗ trợ trong thời gian cách ly xã hội có đặc thù riêng, nhiều trường hợp dễ bị bạo lực hơn nhưng lại khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ từ bên ngoài.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA dẫn chứng, có trường hợp nạn nhân bị bạo hành nghiêm trọng nhưng lại không thể gọi điện kêu gọi sự hỗ trợ do kẻ bạo hành luôn ở cạnh. Trong khi, không ít nạn nhân lại có tâm lý sợ làm phiền người khác, khi tất cả các cơ quan chức năng, các đoàn thể đều tập trung vào phòng chống dịch Covid-19. Nhiều khi, những lời kêu cứu của các nạn nhân không được xử lý kịp thời và thỏa đáng.

Cần có các cơ sở cung cấp dịch vụ tích hợp, toàn diện bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, bảo đảm an toàn, tư vấn hỗ trợ pháp lý, và các dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân thông qua mô hình “một cửa”. Ảnh Minh Đức/UNFPA
 

Cần lên tiếng để tố cáo bạo lực

Để phòng, chống bạo lực  đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, cần tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho nhân viên công tác xã hội… Do đó, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã cùng lên tiếng kêu gọi cần hành động để đảm bảo trẻ em và phụ nữ được bảo vệ và được an toàn, đồng thời khuyến khích người dân tố cáo những người có hành vi bạo lực để xử lý kịp thời, nghiêm minh. .

Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan tới bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình ngày càng được hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ quyền con người và bảo đảm an sinh xã hội. Các quy định của pháp luật hiện hành nêu rất rõ các biện pháp, nguyên tắc trong phòng ngừa, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Điều này đã được thể hiện cụ thể, rõ nét trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống mua bán người; Luật trợ giúp pháp lý, … và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đặc biệt, trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương có các can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng này. Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định trong xét xử các vụ án liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, ngày 01/10/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã định nghĩa một cách cụ thể một số từ ngữ thường gặp mà chưa rõ ràng, thống nhất trong hoạt động xét xử hiện nay, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để xét xử nghiêm minh, công bằng và bảo vệ, tránh làm tổn thương trẻ em dưới 18 tuổi khi bị xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình Đẳng giới, Bộ LĐTBXH cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, Bộ LĐTBXH đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với việc tiếp tục triển khai Đề án phòng và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030, Bộ đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan gồm các Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ cơ giới tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và các dịch vụ của Trung tâm trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; đảm bảo ứng trực đường dây nóng 24/7 để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết; khi phát hiện những vụ việc bạo lực cần phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Khi có nạn nhân trực tiếp đến Trung tâm thì cần phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương (Công an, Y tế, Hội Phụ nữ,…) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19”.

Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tích cực triển khai các hoạt động thuộc Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Hiện Bộ đang xây dựng Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 11/2020.

“Hội nghị tham vấn ACWC và Hội nghị đặc biệt trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN đã được tổ chức vào ngày 5/6. “Bộ LĐTBXH cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức hữu quan, tăng cường khóa đào tạo sử dụng ứng dụng trực tuyến, kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Với các nước ASEAN, sẽ xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp lý để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chống bạo lực với phụ nữ,” bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết.
 

Lễ khởi động Chiến dịch Trái tim xanh - nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19. Ảnh: Minh Đức/ UNFPA
 

Ngày 17/6/2020, dự án mới về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 tại Việt Nam đã được Chính phủ Australia, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) khởi động triển khai với sự tham gia của các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan. Mục đích của dự án nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid 19, hướng tới mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương nhất có thể sống một cuộc sống không bạo lực.

Chiến dịch Trái tim xanh nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19 cũng đã được thực hiện bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hội cùng với các đối tác là UNICEF, UNFPA, UN WOMEN và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Save the Children, Plan International, World Vision, ChildFund và các tổ chức khác. Trong Lễ khởi động chiến dịch, các bên cùng nhau lên tiếng và kêu gọi hành động để tạo mội trường sống an toàn và bảo vệ tất cả các nạn nhân bị bạo lực. Chiến dịch kêu gọi công chúng, cha mẹ/người chăm sóc trẻ/các thành viên trong gia đình, phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai, hàng xóm, các thầy cô giáo cũng như chính quyền địa phương lên tiếng chống lại và tố cáo bạo lực. Chiến dịch cũng cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại, cải thiện sức khỏe tâm thần và tâm lý của những người bị ảnh hưởng, đồng thời đảm bảo tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Khẳng định trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm giải quyết các tác động tiêu cực đến đời sống người dân trong và sau đại dịch bằng các chính sách an sinh xã hội cấp bách. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH thông tin: Những hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng được thực hiện kịp thời trong thời gian trẻ em giãn cách xã hội tại gia đình hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung. Chúng ta có được những bài học rất thiết thực về tăng cường bảo vệ trẻ em, phụ nữ trong tình trạng khẩn cấp.

Để hạn chế những vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em, mỗi cá nhân cũng cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để an toàn thoát ra khỏi tình huống có nguy cơ bị bạo lực. Nên lưu giữ các số điện thoại, những thông tin chỉ dẫn và có những phương án đối phó, hoặc kêu gọi sự giúp đỡ của gia đình, người thân và công an, chính quyền địa phương khi cần thiết như: Tổng đài quốc gia 111; Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh, hotline 18001769; Tổng đài Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng 0236.2214668; Tổng đài Ngôi nhà bình yên 1900969680/ 0946833380,

Kinh nghiệm giải quyết tình trạng bạo lực với phụ nữ trong bối cảnh COVID-19

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: để giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cần tập trung vào một số giải pháp như:

- Đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động về giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức. Các hoạt động giáo dục này cần làm rõ bạo lực đối với phụ nữ không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho quốc gia. Kết quả của Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại tương đương 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây thực sự là tổn thất kinh tế đáng lo ngại.

- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực. Ở Việt Nam hiện chưa có nhiều cơ sở tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực. Điều này gây khó khăn cho phụ nữ khi tìm kiếm sự giúp đỡ, họ không biết cần liên lạc với ai và đi đến đâu để nhận các dịch vụ hỗ trợ. Nghiên cứu quốc gia cho thấy, gần 90% phụ nữ không tìm kiếm sự trợ giúp từ bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào, ngay cả khi họ biết rằng họ đang đối mặt với bạo lực. Do vậy, cần có các cơ sở cung cấp dịch vụ tích hợp, toàn diện bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, bảo đảm an toàn, tư vấn hỗ trợ pháp lý, và các dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân thông qua mô hình “một cửa”. UNFPA đang thúc đẩy triển khai ý tưởng thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 - (Quyết định số 565/Q Đ-TTg ngày 25/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai, trên cả nước đã thành lập: Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố; 08 mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở sở giới tại các TT CTXH và Nhà Bình yên; 10 Mô hình Trung tâm công tác xã hội hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; 18 mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; 06 mô hình Trường học an toàn, không bạo lực. Các Mô hình bước đầu đã được các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Mai Anh/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.