THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 01:25

Viết về trẻ em sao cho đúng Luật?

20/06/2022 | 22:57
Từ những bài báo, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều nghi phạm xâm hại trẻ em đã bị trừng trị trước pháp luật. Khi viết về đề tài trẻ em, nhất là khi viết về vụ xâm hại trẻ em, đòi hỏi các nhà báo cần nắm chắc Luật Trẻ em, nếu không sẽ vô tình gây tổn hại tới đời sống và tinh thần của trẻ.

Cần phải khẳng định, thời gian qua, qua thông tin phản ánh ban đầu từ báo chí, nhiều vụ án xâm hại trẻ em đã được các cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc và được làm sáng tỏ, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội và mang tính răn đe cao đối với những hành vi xâm hại trẻ em.

Vụ án Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Đà Nẵng xâm hại trẻ em trong thang máy năm 2019; vụ “Theo dấu vết quỷ ấu dâm ngoại quốc”; đặc biệt, gần đây nhất là loạt phóng sự điều tra dài kỳ “Cuộc rượt đuổi quỷ ấu dâm: Hành trình trong nước mắt” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các đồng nghiệp, phản ánh vi phạm của đối tượng Huỳnh Đắc Cường, chủ quán vịt quay ở Quảng Nam đã lợi dụng mạng xã hội dành cho người đồng giới để dụ dỗ nhiều trẻ em quan hệ tình dục đồng giới dù biết mình bị nhiễm HIV… Loạt bài điều tra đã gây tiếng vang trong cộng đồng và được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm; đã có quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam với đối tượng Huỳnh Đắc Cường tội danh giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Trên đây là vài vụ trong rất nhiều vụ việc được báo chí phản ánh và sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực cũng có nhiều bài báo khi viết về các vụ xâm hại trẻ em do vô tình hay cố ý (câu view) đã gây nhiều hệ lụy không đáng có. Thay vì đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân để tìm hiểu và viết bài, một vài nhà báo lại cố gắng khai thác tận cùng nỗi đau của nhân vật, đôi khi thêm thắt các tình tiết để lấy được sự quan tâm của công chúng. Một số bài báo viết về trẻ em bị xâm hại dù ẩn tên nhưng lại khai thác rất kỹ về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của nạn nhân; thậm chí công khai cụ thể tên tuổi người bị hại, đưa ảnh nạn nhân lên nhưng không làm mờ mặt... làm ảnh hưởng tới đời sống riêng tư, tinh thần và tương lai của các em.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (bên trái) và đồng nghiệp (ngoài cùng bên phải) với các nạn nhân trong quá trình tác nghiệp điều tra về hành vi ấu dâm nam của Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (bên trái) và đồng nghiệp (ngoài cùng bên phải) với các nạn nhân trong quá trình tác nghiệp điều tra về hành vi ấu dâm nam của Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam.

Chia sẻ về những tai nạn nghề nghiệp, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, với rất nhiều phóng sự điều tra về các vụ việc nổi cộm, trong đó có lĩnh vực trẻ em, cũng thừa nhận mắc sai sót về mặt nghiệp vụ khi thực hiện loạt bài vạch mặt quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường. “Khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã cho phóng viên làm mờ mặt tất cả các nhân vật, kể cả trên video, trên mặt báo cũng như trong các đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Vậy nhưng khi các bài viết đầu tiên được đăng tải, độc giả vẫn chỉ trích chúng tôi rất nặng nề là các anh “bán đứng” nhân vật của mình, các anh giết các cháu thêm một lần nữa sau khi các cháu bị hãm hiếp và nhiễm HIV. Kiểm tra kỹ lại chúng tôi mới thấy mình sơ suất, bởi khi phóng to vào các bức ảnh rất nét đã được đăng, mặc dù không thấy mặt các cháu vì đã bị xóa nhòa, nhưng có chi tiết là bàn tay lời khai của cháu đang viết trước cơ quan công an lại ghi rõ tên, tuổi, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, quê quán của các cháu. Đó là bài học cay đắng của chúng tôi”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ. 

Ghi nhận những đóng góp của báo chí trong việc đưa các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đi vào cuộc sống, đặc biệt là trong việc phanh phui nhiều vụ việc về xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhìn nhận: “Nhờ các bài viết, phóng sự trên báo chí, đặc biệt là việc phát hiện, phản ánh về xâm hại trẻ em đã giúp các cơ quan chức năng làm sáng tỏ nhiều vụ việc”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

Tuy nhiên, theo ông Nam, vẫn còn một số nhà báo khi tiếp cận vấn đề liên quan trẻ em chưa hiểu biết cụ thể và đúng về trẻ em dẫn đến quá trình tác nghiệp mắc sai sót không đáng có. Nhiều bài báo, tác phẩm truyền hình khi đưa hình ảnh trẻ em lên báo chí, truyền thông dù có mục đích bảo vệ trẻ em nhưng cách thức và phương pháp không đúng, vô tình gây tổn hại tới đời sống cá nhân và tinh thần của trẻ. Do đó, viết về trẻ em không chỉ có tình thương và lòng nhiệt tình mà cần phải có hiểu biết và kiến thức về pháp luật, nhất là Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em.

“Hiện có hai vi phạm về quyền trẻ em thường thấy ở một số thông tin báo chí khi phản ánh về vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em. Thứ nhất, công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Thứ hai, không cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền hoặc không bảo mật thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Đây là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Trẻ em và bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (Điều 28, Điều 31). Thêm nữa, việc bị xử lý vi phạm pháp luật của nhà báo, nhất là vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của cá nhân và cơ quan báo chí. Do đó, khi xử lý, đăng tải các vụ việc xâm hại trẻ em, người làm báo phải thấu suốt về lợi ích tốt nhất của trẻ em, đối tượng được đề cập, phản ánh trong hiện tại cũng như tương lai của đứa trẻ. Tuyệt đối tránh đưa thông tin chi tiết, cụ thể về trẻ em cho dù trẻ em là nạn nhân, thủ phạm, người làm chứng hay người có liên quan đến vấn đề, vụ việc (những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em được quy định tại Điều 33, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP)”, ông Đặng Hoa Nam nói.

 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Dưới góc độ pháp lý, TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết: “Nhà báo điều tra, phản ánh về các vụ xâm hại trẻ em hoạt động theo Luật Báo chí, được quyền thu thập, xâm nhập, được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin. Thông tin thì phóng viên có thể thu thập được rất nhiều, nhưng việc phản ánh mức độ đến đâu thì phải cân nhắc. Nhà báo cần thận trọng, kiểm chứng nguồn tin; thông tin phải hai chiều, được xác minh kỹ. Khi đăng bài cũng cần cân nhắc về thời điểm, nội dung và mức độ thông tin, đặc biệt cần bảo vệ bí mật đời tư và danh tính của người bị hại và cả nghi phạm, phải mã hóa thông tin để tránh trường hợp ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người trong cuộc và người thân của họ cũng như hoạt động điều tra của cơ quan chức năng. Việc đưa tin cũng nên hạn chế đưa hình ảnh (nếu đăng hình ảnh của nạn nhân và nghi phạm thì phải tuân thủ Điều 32 Bộ luật Dân sự, cần làm mờ mặt hoặc chụp từ phía sau); thông tin về nhân thân cần thay đổi hoặc mã hóa. Trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo cũng cần tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, nắm vững pháp luật, viết đúng, hiểu đúng và phải có cái tâm khi hành nghề”.

Thùy Hương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Phó Chủ tịch nước dự Lễ Trao học bổng 'Học không bao giờ cùng' lần thứ 2 cho trẻ em các tỉnh phía Nam

Phó Chủ tịch nước dự Lễ Trao học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 2 cho trẻ em các tỉnh phía Nam

1 năm trước

Chiều 19/6, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 2 do Hội Khuyến...
An sinh xã hội – Công cụ thiết yếu để phòng ngừa lao động trẻ em

An sinh xã hội – Công cụ thiết yếu để phòng ngừa lao động trẻ em

1 năm trước

Với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em (LĐTE) từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030, trong bối cảnh cả nước phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch...