THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 06:54

Vu Lan - Ngày lễ của đạo lý

21/08/2018 | 15:45
 
Sự tích và ý nghĩa của lễ Vu Lan
 
Theo kinh Phật, Vu Lan là một ngày lễ trọng của đạo Phật. Có nhiều phiên bản và khảo dị về sự tích lễ Vu Lan nhưng cốt chuyện thì gần giống nhau. Có thể tóm tắt như sau: Một người có tên là Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông nhớ mẹ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào. Mục Kiền Liên dùng phép màu nhìn khắp trời đất để tìm mẹ. Ông thấy mẹ mình bị nhốt dưới địa ngục, bị đói khát, hành hạ khổ sở (vì khi còn sống bà phạm một số tội). Ông bèn đem cơm xuống tận nơi để dâng mẹ. Do bị đói lâu ngày nên khi ăn, mẹ của ông dùng một tay che bát cơm để không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy, khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
 
Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách là hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Qua chuyện này, Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời. Người dân xem ngày này là ngày để báo hiếu cha mẹ. Vì vậy, có thể nói Vu Lan là lễ của đạo lý, hiếu đễ.
 
Ở Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy thường cúng ở chùa (lễ Phật) trước, rồi mới cúng ở nhà. Việc cúng, lễ thường tiến hành vào ban ngày. Ngoài ra, ngày này còn được xem là ngày “Xá tội vong nhân”, nghĩa là xá tội cho những cô hồn (những hồn ma không được thờ cúng) nên nhiều gia đình có mâm cơm cúng trước nhà, để cho những linh hồn bơ vơ được hưởng. Trong dân gian gọi đây là “cúng cô hồn” hay “cúng thí thực” (cho, tặng thức ăn).
 

Một mâm cỗ chay giản dị thường được lựa chọn dâng lên cha mẹ, tổ tiên trong ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Internet
 
Lễ Vu Lan đang được hưởng ứng mạnh mẽ
 
Vu Lan là ngày lễ theo Âm lịch - luôn luôn là Rằm tháng Bảy hàng năm. Ngày này không được chính quyền coi là ngày lễ, cán bộ công nhân viên chức không được nghỉ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một ngày lễ có số lượng người hưởng ứng rất lớn. Trước, trong và sau Rằm tháng Bảy, sân bay, bến xe, bến tàu chật cứng người. Trong ngày này, nhiều người muốn về nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình, muốn thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiên.
 
Tại các chùa trên cả nước (với số lượng lên đến hàng chục ngàn) vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức “Bông hồng cài áo”. Nghi thức này tinh tế và cảm động: Những người có mẹ còn sống được cài hoa màu hồng; những ai mẹ đã mất được cài hoa màu trắng. Khi được cài hoa, dường như chúng ta được nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Điều đáng nói là nghi thức này còn khá mới mẻ vì do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962.
 

Nghi thức bông hồng cài áo là một nét đẹp cần phát huy trong lễ Vu Lan. Ảnh: Internet
 
Một tục lệ đáng chú ý nữa là nhiều nơi sửa soạn mâm cúng chúng sinh. Lễ vật của mâm này thường có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc; các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối, ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. Ở chùa hay trước ngõ các gia đình, khi cúng chúng sinh xong, người ta thường gọi những đứa trẻ nhảy vào tranh cướp những vật cúng.
 
Trong lễ Vu Lan có một tục lệ rất phổ biến là đốt vàng mã cho người chết. Nói là đốt vàng, nhưng trên thực tế người ta đốt rất nhiều thứ là từ giấy và những vật liệu dễ cháy. Theo quan niệm “trần sao, âm vậy”, những năm gần đây, người ta đốt cả những vật dụng rất hiện đại như: xe máy SH, ô tô Roll Royce, biệt thự, máy tính, điện thoại di động đắt tiền, hàng hiệu…; thậm chí, người đốt cả người giúp việc, rồi cả “chân dài”… Tất cả những đồ vật đều được làm giống như thật với kỹ thuật khá tinh xảo. Và tất cả đều được đốt đi nên khá tốn kém, lãng phí.
 
Vu Lan là một ngày lễ thánh thiện cần được gìn giữ
 
Như vậy, Vu Lan là một ngày lễ theo kinh Phật. Ngày lễ này có từ lâu rồi, lại gắn với một sự tích rất cảm động về lòng thương mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên. Tuy nhiên, sau này, , lễ này  được làm phong phú, giàu có thêm. Nghi thức “Bông hồng cài áo” do Nhà sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng là một ví dụ. Rồi sau đó mấy năm (vào năm 1965 - 1966), nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào ý tứ của Nhà sư Thích Nhất Hạnh để sáng tác ca khúc cùng tên và biến ca khúc này thành một phần của lễ Vu Lan ngày nay.
 
Theo quan niệm của Nhà sư Thích Nhất Hạnh - thương nhớ mẹ không phải là một vấn đề luân lý, đạo đức, mà là một vấn đề hưởng thụ, nghĩa là một hạnh phúc. Nhớ mẹ, thương mẹ, muốn giúp đỡ, phụng dưỡng mẹ không phải là trách nhiệm, mà là một điều hạnh phúc. Đây là khát vọng thuần khiết nảy sinh trong sâu thẳm tâm hồn con người. Điều này thuộc lẽ tự nhiên, thuộc đạo lý.
 
Ngày nay, lễ Vu Lan được nhiều người xem là lễ báo hiếu, ngày để thế hệ con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Cơ sở quan trọng nhất để thể hiện lòng biết ơn không phải là trách nhiệm, mà là thụ hưởng - một trạng thái thậm chí còn cao hơn hạnh phúc. Đây là điều thánh thiện trong đời sống của con người.
 
Vậy cớ gì chúng ta lại dung tục hóa lễ Vu Lan bằng cách đốt nhà lầu, xe hơi, “chân dài” cho những người đã chết? Đã có những giai thoại dở khóc, dở cười khi một đại gia đốt cho người cha đã mất một chiếc xe hơi (bằng vàng mã) đời mới rất hiện đại. Đêm nằm ngủ, ông ta được bố hiện lên và nói: “Cám ơn con đã sắm cho cha cái xe đẹp lộng lẫy và rất hiện đại nhưng ta lại không biết lái. Hay con cho thằng cháu của ta xuống lái phục vụ ta vậy?”. Nghe đến đây, đại gia hoảng hồn tỉnh dậy. Đây chỉ là sự mộng mị trong giấc ngủ nhưng vị đại gia kia vẫn ăn không ngon, ngủ không yên.
 
Vu Lan là ngày lễ của đạo lý, mọi hoạt động phải giản dị, tinh tế, thành tâm.
 

Đốt vàng mã giữa phố gây phản cảm và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Internet
 

                                          Tín ngưỡng và văn hóa

Tự do tín ngưỡng ở nước ta được Hiến pháp công nhận. Hơn 95 triệu người Việt Nam có những tín ngưỡng khác nhau. Tôi là người vô thần nhưng đánh giá cao khía cạnh văn hóa của tín ngưỡng.

Một trong những vấn đề khoa học chưa công nhận nhưng cũng không phủ nhận là có hiện tượng, có sức mạnh siêu nhiên tồn tại trong thế giới của chúng ta. Rồi chuyện linh hồn có thể tồn tại ngoài thể xác hay không cũng là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Với người Việt Nam chúng ta, câu hỏi: “Có cõi âm hay không?” cũng chưa có ai trả lời một cách thuyết phục. Nói như vậy để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Khi còn những điều bí ẩn thì vẫn còn những điều “tin thì tin, không tin thì thôi”.

Tập tục đốt vàng mã (và nhiều thứ quý giá làm bằng giấy) liên quan đến niềm tin khá mơ hồ là ở trần gian, người sống đốt cái gì thì ở dưới âm phủ, người thân đã chết nhận được những thứ đó. Chưa ai có bằng chứng để chứng minh điều này là có thực nhưng người ta cũng bỏ qua, vì xưa đến nay người ta chỉ đốt tượng trưng những vật dụng bình thường. Điều này không gây tốn kém nhiều, cũng không gây phản cảm. Nhưng hiện nay nhiều người giàu có, họ “chạy đua” cả trong việc đốt vàng mã mất bao nhiêu tiền, đốt những thứ gì được xem là “độc”, “lạ”… Đốt đến cả ô sin, “chân dài” cho người đã chết thì rõ ràng là phản cảm rồi!

Tín ngưỡng và văn hóa có mối quan hệ qua lại thân thiết, thậm chí, nhiều người cho rằng, tín ngưỡng là một phần của văn hóa. Vậy, trong tín ngưỡng không nên làm điều gì đó phản cảm, phi văn hóa. Đây là mong muốn của rất nhiều người, nhất là vào dịp lễ Vu Lan cũng như Tết Nguyên đán, ngày Rằm, mồng Một…

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà môi trường đang bị đe dọa ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, cần có cách ứng xử văn hóa để bảo vệ môi trường.
                                                                  Đàm Trọng
 
 

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...