THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:55

Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Tuyết Ánh: Ngày Quốc tế Hạnh phúc mang thông điệp nhân văn

19/03/2018 | 10:23
 
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình. 
 
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) được phân công chủ trì thực hiện đề án này, kể từ đó tới nay, các hoạt động được triển khai thế nào, thưa bà?
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, hằng năm, Bộ VHTTDL xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các sự kiện lớn có dấu ấn, lan tỏa tới cộng đồng như: Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2014 phát động chủ đề Yêu thương và chia sẻ, chương trình nghệ thuật Bài ca Hạnh phúc gắn với kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... 
 
Nhiều bộ, ngành và các địa phương đã đưa nội dung chỉ đạo, tổ chức hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc vào nội dung công tác gia đình và hoạt động của Ban chỉ đạo công tác gia đình, tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", nhiều hoạt động được tổ chức sáng tạo, nổi bật là các hoạt động thiện nguyện, đã tạo ra những đợt truyền thông rộng rãi, bước đầu đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc, khích lệ các tổ chức, cá nhân có hoạt động thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc... 
 
Năm 2018, theo kế hoạch Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3” hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã có văn bản hướng dẫn sơ kết gửi các bộ, ngành, địa phương, trong đó có hoạt động trọng tâm là vinh danh các cá nhân, tổ chức có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
 
Chủ đề Yêu thương và chia sẻ thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Việt Nam nên được cộng đồng hưởng ứng. Vậy những năm tiếp theo, Bộ VHTTDL sẽ định hướng về chủ đề cho các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc như thế nào?  
 
Chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” đã được phát động liên tục từ năm 2014 đến nay. Vào ngày 20/3/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ gửi thông điệp tới toàn thể nhân dân Việt Nam. Phó Thủ tướng đã khẳng định, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn gắn chặt với tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước Độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ… Phó Thủ tướng kêu gọi: Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực vùng đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách, dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!
 
Nối tiếp chủ đề trước, những năm tiếp theo, Bộ VHTTDL sẽ cụ thể hóa hơn nội dung chủ đề hằng năm gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam. Các hoạt động của Bộ tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng gia đình hạnh phúc.
 

 
Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (năm 2014).
 
Được biết, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nhân ngày này, bà có thể cho biết thêm về việc triển khai Bộ tiêu chí như thế nào?
 
Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc rất lớn vào chất lượng các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Chất lượng các mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các thành viên trong mối quan hệ cơ bản của gia đình, bao gồm: vợ chồng; cha mẹ, ông bà và con, cháu; anh, chị, em ruột. Mối quan hệ bền chặt, chất lượng giữa các thành viên trong gia đình là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, đặc biệt là khi Việt Nam đang thực hiện sâu rộng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
 
Dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức: hiếu nghĩa, thủy chung có biểu hiện xuống cấp đã làm cho gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ và thách thức, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình.
 
Sự phát triển bền vững của gia đình có mối quan hệ tác động chặt chẽ đối với sự ổn định, phát triển của xã hội và đất nước, đáp ứng mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, cũng là nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết  số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ VHTTDL đã triển khai thí điểm việc xây dựng “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” thực sự cần thiết và mang tính cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL thực hiện tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. 
 
Bộ tiêu chí được xây dựng đã nêu ra các tiêu chí ứng xử cụ thể trong các mối quan hệ của gia đình. Đây là Bộ tiêu chí khung, để triển khai thí điểm cả nước, trong khi triển khai, các địa phương có thể vận dụng, phát triển phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền. Nội dung tiêu chí chủ yếu kế thừa các giá trị ứng xử trong truyền thống của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, cũng như tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí, Bộ VHTTDL lựa chọn một số tỉnh/thành phố để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trước khi ban hành chính thức. Chúng tôi cho rằng, khi Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được lan tỏa rộng rãi đến từng thôn, ấp, khu phố, từng gia đình, sẽ tác động tích cực đến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, làm cho mọi người đều hạnh phúc, nhà nhà an vui. Gia đình hạnh phúc sẽ giảm tệ nạn xã hội, tội phạm, ly hôn, trẻ em được chăm sóc, người cao tuổi được quan tâm.
 
Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng! 

Hồng Nga (thực hiện)/TC GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.