THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:54

Vượt qua trầm cảm sau sinh: Hãy mở rộng quyền nhận hỗ trợ của mình

11/12/2018 | 11:15
ThS Tâm lí học, NCS Nguyễn Thị Chính (Khoa Tâm lí, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) đã nghiên cứu và làm tham vấn với phụ nữ sau sinh trong 4 năm qua cho biết, hội chứng trầm cảm sau sinh (TCSS) chiếm khoảng 10% - 15% ở các bà mẹ mới sinh, hội chứng này thường phát triển sau 3 tuần và có xu hướng kéo dài hơn.Hậu quả của TCSS không chỉ ảnh hưởng đến sản phụ, đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ. Do đó, việc nhận biết, phòng tránh, điều trị cho những phụ nữ có TCSS là điều rất cần được quan tâm.
 
PV TC GĐ&TE đã có cuộc trò chuyện với NCS Nguyễn Thị Chính về vấn đề này. 

 
NCS Nguyễn Thị Chính. Ảnh: T.Vân
 
Sản phụ nào cũng có thể mắc trầm cảm
 
PV: Thưa NCS Nguyễn Thị Chính, tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến TCSS? 
 
NCS Nguyễn Thị Chính: Nếu TCSS không được điều trị, có thể kéo dài nhiều tháng, tạo gánh nặng cho gia đình. Nghiêm trọng hơn, 2/3 trường hợp trầm cảm nặng dẫn đến tự sát. TCSS khiến người phụ nữ suy kiệt, không tham gia các hoạt động giải trí và có thể gây tai nạn ở nơi làm việc và trên đường phố. 

PV: Những ai có thể mắc TCSS?
 
NCS Nguyễn Thị Chính: Sản phụ nào cũng có thể mắc trầm cảm, không chỉ những người yếu đuối và nghèo khó. 
 
Diễn viên nổi tiếng Carnie Wilson từng thừa nhận: "Tôi khóc vô cớ cả ngày. Đó là một cảm giác tôi không có cách nào tả nổi. Bạn có thể vui mừng hết sức nhưng sau đó lại buồn bực và sợ hãi. Bạn sợ sẽ làm rơi đứa trẻ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đánh rơi con hoặc làm đau bé? Con hoàn toàn dựa vào mẹ nên đó là điều khiến bạn lo sợ”… Nhà thiết kế trang sức nổi tiếng Anh Felicia Boots đã ra tay sát hại 2 con nhỏ lúc TCSS. Còn nữ nhạc kịch Opera Lisa Rinna bị chứng trầm cảm nghiêm trọng “nghiền nát tâm hồn" sau cả hai lần sinh nở. 
 
Tại Việt Nam, chúng ta đã phải chứng kiến và đau lòng trước nhiều vụ việc một số bà mẹ trẻ giết con mình vì TCSS. 
 
PV: Tôi có thắc mắc là tại sao TCSS có thể xảy ra với người này mà lại không xảy ra với người khác… 

NCS Nguyễn Thị Chính: Hiện tại, chưa có một bằng chứng nào xác định chắc chắn tại sao một số phụ nữ lại bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh và những phụ nữ khác lại không bị.
 
Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến trầm cảm sau sinh được xem xét trên một số nguyên nhân chính như: Sự thay đổi mạnh nồng độ các hormon estrogen và progesterone sau khi sinh; Sự mệt mỏi về thể lực và tinh thần đi kèm theo là sự thiếu ngủ sau sinh; Sự thay đổi trách nhiệm và vai trò của bản thân sau sinh.
 
Những vấn đề liên quan đến giới tính của trẻ, sự thiếu quan tâm của gia đình; khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé, từ đó, cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Những sản phụ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có người bị trầm cảm thì nguy cơ bệnh cao…
 
 
Người chồng có vai trò vô cùng quan trọng giúp vợ vượt qua TCSS. 
 
Vai trò quan trọng của người chồng

PV: Xin chị cho biết những biểu hiện của bà mẹ có nguy cơ bị TCSS?
 
NCS Nguyễn Thị Chính: Các dấu hiệu của TCSS có thể kể đến là giảm sự tự trọng, tự tin, khó khăn trong việc quyết định; Ý nghĩ có tội hoặc thấy mình không xứng đáng; Giảm tập trung và chú ý, hay quên; Giảm, ít quan tâm đến người khác, kể cả em bé mới sinh; Luôn cảm thấy lo lắng, không yên tâm về em bé mới sinh; sụt cân (khi không ăn kiêng) hoặc tăng cân; Mệt mỏi, khí sắc trầm; Suy nghĩ đến cái chết hoặc có ý định tự sát. 
 
PV: Để phòng ngừa và ứng phó với TCSS hoặc những rối loạn tâm lý khác, theo chị, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất? 

NCS Nguyễn Thị Chính: Liệu pháp tâm lý gia đình vô cùng quan trọng đối với phụ nữ sau sinh. Mâu thuẫn là áp lực cho người phụ nữ, nếu làm tốt công tác liệu pháp gia đình thì người phụ nữ sẽ được cải thiện nhiều. Đôi khi, chỉ cần chia sẻ là đã giải quyết được nhiều vấn đề của trầm cảm. Các bà mẹ sau sinh hãy chia sẻ tích cực với người thân trong gia đình là đã phòng được rối loạn rất nặng nề. 
 
Để vượt qua TCSS, cần sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Trong đó, bản thân các bà mẹ phải chuẩn bị tốt các điều kiện để làm mẹ (kiến thức, kĩ năng làm mẹ, tài chính…); Cố gắng ăn uống đủ dinh dưỡng; Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể; suy nghĩ tích cực và vận động hợp lý. Đối với gia đình, cần thường xuyên chia sẻ, động viên, giúp đỡ sản phụ về mọi mặt; không đổ lỗi, không áp đặt mà lắng nghe, quan sát để nhận diện nguy cơ, dấu hiệu của trầm cảm cần điều trị. 
 
Đặc biệt, người chồng có vai trò vô cùng quan trọng. Để phòng ngừa và ứng phó TCSS, người chồng nên cùng vợ tham gia các lớp trải nghiệm tiền sản để thấu hiểu những khó khăn của vợ, học cách chăm sóc em bé. Cùng vợ chăm sóc con, gần gũi, chia sẻ, cảm thông, động viên, kịp thời nhận biết những khó khăn của vợ, giúp vợ giải tỏa căng thẳng. Đồng thời, tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong gia đình; quan tâm ân cần từ bữa ăn, giấc ngủ; có những lời nói tích cực, thể hiện sự chia sẻ với những vất vả của việc chăm sóc em bé…
 
PV: Trong quá trình tư vấn và nghiên cứu về TCSS, chị có “câu thần chú” nào dành cho các sản phụ?
 
NCS Nguyễn Thị Chính: Tôi thường chia sẻ một số “thần chú” và mong các bà mẹ luôn ghi nhớ. Đó là: “Làm mẹ là một điều tuyệt vời nhất”; “Bé con là “loài” đáng yêu nhất”; “Bạn không một mình”…
 
Có một điều tôi muốn nhắn nhủ đến chị em rằng, khó khăn/căng thẳng nào cũng đến hồi kết thúc. Trên đời, không có một người mẹ hoàn hảo, ai cũng có quyền nhận được sự hỗ trợ và hãy mở rộng quyền nhận hỗ trợ của mình. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn chị. 
 
 
 Ảnh minh họa. 
 
TCSS có thể là một quá trình trải qua các mức độ khác nhau, từ mức độ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào điều kiện của sản phụ. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc và ủ rũ (hội chứng baby blues), trầm cảm sau sinh và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh. 

Vân Nhi (Thực hiện)/Tc GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...