THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 12:44

Xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non

23/11/2022 | 07:41
Ngày 22/11 tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tổ chức quốc tế đã tham dự hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam” để bàn về chính sách giáo dục mầm non (GDMN).

Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng GDMN và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam”

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, các khâu, các yếu tố, các quá trình, nhắm tới một tính tổng thể rất cao. Trong đó có những quan điểm sâu chuỗi từ cấp học mầm non đến đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người. Trong đó, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi tính quyết định đến tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ.

GDMN Việt Nam đã đạt kết quả nhất định trong giáo dục phổ cập. Việt Nam đã có một chương trình GDMN thống nhất cả nước, có ưu tiên phát triển khoa học giáo dục cho cấp học này và thực tế đã đạt được kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu

“Tuy nhiên, với mục tiêu xa và lớn hơn, chúng tôi thấy cần phải làm nhiều điều hơn nữa cho GDMN”. Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình GDMN mới; sẽ có chương trình thống nhất cho các khâu để kiểm soát về chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.

Phục vụ cho việc đó, Bộ GD&ĐT đã có khá nhiều các hoạt động trao đổi, thảo luận với các chuyên gia và hội thảo hôm nay là một hoạt động trong chuỗi đó, phục vụ việc phát triển GDMN nói chung, chuẩn bị biên soạn chương trình GDMN nói riêng.

Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á-Thái Bình Dương (WB) trong phát biểu khai mạc đã đề cập đến 3 cơ hội phát triển quan trọng khi xây dựng được một hệ thống GDMN chất lượng và hiệu quả.

Theo đó, Việt Nam được nhiều lần xếp hạng cao trong chỉ số vốn con người HCIndex của WB, ngang bằng với các quốc gia có thu nhập cao và vượt trội so với nhiều nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua chỉ số phát triển con người hiện tại bằng cách thực hiện đầu tư và cải cách mang tính chuyển đổi vào hệ thống GDMN. Bởi đầu tư vào trẻ nhỏ là nền tảng thúc đẩy bình đẳng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai.

Ông Cristian Aedo cho rằng, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ GDMN có chất lượng, giá cả phải chăng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy bình đẳng và vượt qua kỷ lục phát triển con người của chính mình ở cấp giáo dục phổ thông.

Đầu tư vào chăm sóc trẻ em có thể mang lại tác động đa thế hệ bằng cách cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, kết quả của trẻ em, phúc lợi gia đình, năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Đối với trẻ em, phát triển trẻ mầm non chất lượng có thể cung cấp các đầu vào quan trọng cần thiết trong những năm đầu đời để xây dựng các kỹ năng nền tảng giúp các em thành công ở trường và trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ, việc tiếp cận dịch vụ phát triển trẻ mầm non có thể giúp các bà mẹ tham gia vào thị trường lao động, tăng giờ làm, năng suất và thu nhập, cũng như cải thiện chất lượng công việc.

Ông Cristian Aedo cũng khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển con người và mong muốn hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT, bao gồm nâng cao chương trình giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng dạy GDMN.

Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Phạm Tuấn Anh cho biết: Hiện cả nước thiếu gần 107 nghìn giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu hơn 44 nghìn giáo viên. Trước những thực trạng này, để nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỷ lệ giáo viên/lớp sang tỷ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường. Bộ cũng sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp...

Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT đang tăng cường triển khai, chỉ đạo các trường sư phạm, các địa phương áp dụng phương thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các mô hình bồi dưỡng phù hợp trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trong thời gian tới…

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).

Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế-xã hội có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…), xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Kim Liên
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Đà Nẵng chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non

Đà Nẵng chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non

1 năm trước

Ngày 12/10, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt là cơ sở mầm non độc lập.
Bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

Bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

1 năm trước

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục...
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giảm bớt chênh lệch vùng, miền

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giảm bớt chênh lệch vùng, miền

1 năm trước

Các chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn sẽ giảm bớt sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong cả nước.