THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:11

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

03/12/2021 | 06:58
Sáng 2/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “Mô hình văn hóa ứng xử trong trường học”. Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và các học giả, nhà văn hóa, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng các đại biểu đại diện cho các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Văn hoá học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân. Xây dựng văn hoá học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục. Một thành tố quan trọng để làm nên văn hóa học đường đó là hành vi văn hóa ứng xử trong các nhà trường.

Văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo môi trường và động lực để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, học sinh, sinh viên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc xây dựng mô hình văn hoá ứng xử trong trường học là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng văn hóa học đường và trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong những năm tới.

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Tọa đàm, vấn đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, môi trường văn hóa học đường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực... Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa xã hội nói chung và đã ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường học đường.

Các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất những tiêu chí nhằm xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học, từ đó có được sự đồng thuận trong nhận thức, sự thống nhất trong hành động và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa ứng xử trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.

Trong đó, vai trò gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội được nhấn mạnh, vì để xây dựng nên nền tảng văn hóa của một con người thì cần phải có sự phối hợp tổng hòa của nhiều phía. Ngành Giáo dục cần phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về ứng xử văn hóa trong nhà trường để các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.

Đánh giá cao các ý kiến tham luận tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các mô hình văn hóa ứng xử tại các trường học trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Ngành Giáo dục đã và đang đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp trong từng nhiệm vụ, trên từng mảng lĩnh vực, có lộ trình theo từng giai đoạn từ hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nội dung chương trình và các điều kiện dạy và học. Xây dựng văn hóa học đường nói chung và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học cũng chính là mục tiêu toàn ngành đặt ra.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, trên cơ sở những mô hình văn hóa ứng xử trong trường học đã phát huy tốt kết quả trong thời gian qua sẽ nhân rộng để tạo sức lan tỏa hơn nữa; đặc biệt những mô hình trường học hạnh phúc, trường học xanh, sạch, đẹp cần được nhân rộng để tạo nên những ngôi trường có môi trường học tập thực sự an toàn, thân thiện, tôn sư trọng đạo, giáo dục hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho các em học sinh, sinh viên. Việc xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học cần phải phù hợp với từng cấp học, từng độ tuổi.

Tuấn Minh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...