THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 07:55

Xe ôm truyền thống thất thế vì công nghệ

10/06/2017 | 22:37
Sự xuất hiện và phát triển rầm rộ của xe ôm công nghệ (Uber, Grab) đã khiến những người chạy xe ôm truyền thống lao đao.
Ảnh: Đình Việt
 
Giảm 2/3 thu nhập
 
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục xảy ra những vụ “va chạm” giữa tài xế xe ôm truyền thống với tài xế xe ôm “công nghệ”. Mới đây nhất, tại Bến xe Miền Tây (TP. Hồ Chí Minh), một tài xế xe ôm Grab đã bị một thanh niên cầm dao lao tới chém đứt lìa hai ngón tay. Nhiều người cho rằng không loại trừ việc lái xe Grab trên bị xe ôm truyền thống tại bến xe Miền Tây thuê côn đồ hành hung để “dằn mặt” vì dám đến bến xe “cướp khách”.
 
Tìm hiểu thực tế về tình trạng “dằn mặt” đang diễn ra phổ biến này, chúng tôi nhận được cùng một câu trả lời rằng: Do xe ôm công nghệ đang vô tình làm vơi nồi cơm của xe ôm truyền thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chạy xe ôm truyền thống lại cho rằng đó chỉ là số ít, và họ cảm thấy buồn khi hàng ngày phải đọc những tin tức không hay liên quan đến công việc mình đang làm.
 
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Hoàng Văn Định (55 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết, ông và vợ đã sinh sống ở Hà Nội được gần 10 năm. Ông làm xe ôm, còn vợ làm nghề thu mua sắt vụn. Theo ông Định thì: “Xe ôm công nghệ đang khiến chúng tôi bị thất thế. Thu nhập giảm hơn trước đây rất nhiều, khiến cuộc sống ngày càng lâm vào tình cảnh khốn khổ. Ví dụ như hôm nay (6/6), tôi đứng cả ngày mà cũng chỉ chở được 2 khách đi quãng đường ngắn”.
 
Theo ông Định, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc va chạm giữa tài xế xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ thời gian gần đây. Trước đây, tháng cao điểm, ông Định có thể kiếm được trên dưới 10 triệu đồng nhưng nay ngay cả tháng “bội thu” nhất cũng chỉ được 4 triệu. “Chạy xe ôm truyền thống bây giờ rất khó, bởi xe ôm công nghệ ra đời chở khách với giá quá rẻ, chỉ với 3.000 đồng/km thì không còn ai đi xe ôm truyền thống nữa. Nếu có đi cũng chỉ có mấy người không biết sử dụng điện thoại thông minh, người già, hoặc là khách hàng quen”, ông Định trải lòng.
 
Trả lời câu hỏi, tại sao ông không đăng kí chạy xe ôm công nghệ? Ông Định chia sẻ rằng từng có ý định nhưng vì tham gia buộc phải sắm điện thoại thông minh, tốn kém trong khi ông đã có tuổi, không am hiểu công nghệ nên khó sử dụng.

Suýt chết vì “chạy đêm”
 
Trời mưa to nhưng ông Định vẫn đứng chờ khách. (Ảnh chụp chiều 6/6).
Trời mưa to nhưng ông Định vẫn đứng chờ khách. (Ảnh chụp chiều 6/6).
 
Cũng giống ông Định, anh Lê Văn Giang (sinh năm 1994, quê ở Thanh Hóa) cũng cho rằng, từ ngày dịch vụ xe ôm công nghệ xuất hiện và phát triển rầm rộ tại Hà Nội thì thu nhập của anh giảm nhiều so với trước đây. Anh Giang cho biết đã gắn bó với nghề này được 5 năm. Trước đó, anh làm nghề đánh giày. Nhà nghèo, bố mẹ đau ốm, anh lại lập gia đình sớm nên cả nhà trông chờ vào nguồn thu nhập từ chiếc xe máy cũ kĩ của anh đem lại. “Trước tôi chủ yếu chạy xe ban ngày, thu nhập hàng tháng cũng khá nên cộng thêm với thu nhập của vợ cũng đủ để nuôi con nhỏ và để dành được ít tiền tiết kiệm. Nhưng mấy năm nay, xe ôm công nghệ nở rộ, thu nhập cũng từ đó mà giảm đi. Tiền kiếm cả tháng không đủ để nuôi con, số tiền tiết kiệm cũng từ đó mà vơi dần”, anh Giang kể.
 
Theo anh Giang, xe ôm công nghệ chủ yếu hoạt động ban ngày. Nên để cải thiện thu nhập, anh quyết định chuyển sang chạy xe ban đêm để tránh cạnh tranh với loại hình dịch vụ mới này. Tuy nhiên, chạy xe ban đêm có nhiều vất vả, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng vì mưu sinh nên anh vẫn phải chấp nhận. Cách đây hơn một năm, lúc đó khoảng 1h sáng, anh Giang đang đứng bắt khách ở khu vực bến xe khách Mỹ Đình thì có một thanh niên khoảng 30 tuổi đến yêu cầu chở gấp về huyện Ba Vì. Nghe quãng đường xa anh cũng chần chừ, thấy vậy, vị khách này đã nài nỉ: “Nhà em đang có người hấp hối cần phải về quê gấp”. Nghe vậy, anh Giang mủi lòng đồng ý. Khi xe chạy đến khu vực vắng dân cư, trong lúc anh Giang không để ý, vị khách ngồi sau bất ngờ rút dao kề vào cổ, yêu cầu đưa tiền và cho biết, nếu anh kêu hoặc chống cự thì sẽ đâm chết ngay lập tức. Hoảng sợ, anh Giang đành móc sạch túi lấy toàn bộ số tiền chạy xe trong ngày đưa cho hắn để bảo toàn tính mạng.
 
“Lấy xong tiền, hắn nhanh chóng xuống xe rồi mất hút trong màn đêm tĩnh mịch. Xung quanh đồng không mông quạnh, đường thì vắng nếu tôi chống cự chỉ có chết. Nếu thời gian tới tình hình không cải thiện có khi tôi cũng phải chuyển qua chạy xe ôm công nghệ. Cứ như thế này thì không sống được”, anh Giang kể về lần chết hụt trong nghề.
 
Gần một giờ là trở thành lái xe ôm công nghệ

Một lái xe của một hãng xe ôm công nghệ cho biết, thực chất các điều kiện để trở thành lái xe của công ty rất đơn giản, rõ ràng. Công ty cũng luôn hoan nghênh sự tham gia của các tài xế tự do. Điều kiện để trở thành tài xế xe ôm công nghệ gồm có: Xe máy cá nhân, điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android 4.1 trở lên. Sau khi đăng ký và nộp hồ sơ, người đăng ký sẽ được tham gia khóa đào tạo cách sử dụng ứng dụng công nghệ cũng như kỹ năng phục vụ khách hàng. Chỉ với gần một giờ kể từ khi nộp hồ sơ, người đăng ký sẽ được kích hoạt tài khoản và bắt đầu hoạt động ngay. Thành phần chủ yếu tham gia là những người chưa có công việc ổn định, người lớn tuổi, sinh viên ra trường không có việc làm hoặc đi làm thêm. 

Theo Đình Việt/Giadinhnet

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...